Báo động tình trạng giải quyết va chạm giao thông bằng bạo lực
Liên tiếp những vụ xô xát, ẩu đả sau va chạm giao thông diễn ra gần đây đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại.
Va chạm nhỏ nhưng hậu quả lớn
Ở những đô thị lớn có lượng phương tiện giao thông "dày đặc" như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các vụ va chạm giao thông thường xuyên xảy ra. Đáng nói, thay vì áp dụng các biện pháp giảng hòa hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật thì một số người lại lựa chọn cách giải quyết bằng bạo lực.
Gần đây nhất là vụ việc lái xe ô tô Lexus đánh nam shipper ở Hà Nội, gây bức xúc trong xã hội. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ dẫn đến mâu thuẫn, lái xe Lexus đánh nam shipper bằng chân, tay, mũ bảo hiểm gây thương tích là 3%. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với lái xe Lexus để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.
![Camera nhà dân ghi lại cảnh lái xe Lexus hành hung nam shipper ở Hà Nội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_294_51483364/f198814fb2015b5f0210.jpg)
Camera nhà dân ghi lại cảnh lái xe Lexus hành hung nam shipper ở Hà Nội.
Trước đó, vụ việc ở TP Hồ Chí Minh hồi tháng 12/2024, dư luận đã dậy sóng khi chứng kiến cảnh một người đàn ông tung ra những nắm đấm, cú đá vào những vùng nguy hiểm đối với một cô gái 23 tuổi chỉ vì va chạm giao thông. Sau đó, Công an quận 4 đã bắt khẩn cấp người đàn ông này để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, đối tượng tỏ ra rất ân hận về những hành vi của mình.
Những vụ việc như trên không chỉ gây hậu quả cho các bên liên quan mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và tạo sự bất an trong xã hội. Những vụ ẩu đả trên đường phố khiến người dân lo lắng khi tham gia giao thông, đồng thời, làm gia tăng áp lực lên hệ thống pháp luật, tốn nhiều thời gian và nguồn lực của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hà thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hành vi gây hấn, bạo lực sau va chạm giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, đã được quy định rõ như “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”… Tất cả những hành vi lệch chuẩn, gây tác động xấu cho xã hội đều sẽ bị lên án và phải trả giá trước pháp luật.
Cần làm nguội những "cái đầu nóng"
Chuyên gia tội phạm học, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu nhận định: Những vụ ẩu đả, bạo lực sau va chạm giao thông đang là một hiện tượng đáng báo động trong xã hội. Từ một va chạm giao thông rất nhỏ nhưng cũng có thể trở thành chất xúc tác, kích động những người trong cuộc sử dụng bạo lực.
Bên cạnh đó, không ít vụ ẩu đả trên đường phố liên quan đến người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia. Khi mất kiểm soát do chất kích thích, khả năng kiềm chế của con người suy giảm, dễ dẫn đến những hành vi bạo lực.
![Đối tượng P.V.T (áo đen) trong vụ việc hành hung lái xe xảy ra ở Nam Định hồi đầu tháng 2/2025 khai đánh người vì "bức xúc thái độ".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_294_51483364/d65ca18b92c57b9b22d4.jpg)
Đối tượng P.V.T (áo đen) trong vụ việc hành hung lái xe xảy ra ở Nam Định hồi đầu tháng 2/2025 khai đánh người vì "bức xúc thái độ".
Theo TS Đào Trung Hiếu, khi xảy ra va chạm giao thông, việc quan trọng nhất là kiểm soát cảm xúc. Biện pháp hít thở sâu, đếm số thứ tự... có tác dụng làm cho nhịp tim giữ ổn định, từ đó con người sẽ bình tĩnh trở lại. Đồng thời, các bên liên quan nên lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự quan tâm đến tình trạng con người, phương tiện sau va chạm... Những hành động này có thể làm nguội những "cái đầu nóng".
Ông Hiếu cũng lưu ý, trong trường hợp các đối tượng bị kích động, đe dọa sử dụng vũ lực, lái xe có thể áp dụng biện pháp nhún nhường, "một điều nhịn chín điều lành", sau đó mời lực lượng chức năng đến giải quyết theo quy định của pháp luật.
"Với các đối tượng có hung khí nguy hiểm nhu dao, gậy, dùi cui... thì lái xe có thể áp dụng biện pháp phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22, Bộ luật Hình sự. Lái xe được quyền chống trả lại một cách cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công nguy hiểm của các đối tượng", TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh
Để giải quyết tình trạng bạo lực sau va chạm giao thông, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp của nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đến người dân và các tổ chức xã hội.
Trước hết, người dân phải tự nâng cao nhận thức, chấp hành đúng quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Việc giữ thái độ văn minh khi tham gia giao thông không chỉ góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, lành mạnh, mà hơn cả là bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của chính người tham gia giao thông.
![Tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ va chạm, tai nạn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_294_51483364/eb5d9d8aaec4479a1ed5.jpg)
Tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ va chạm, tai nạn.
Các cơ quan, tổ chức tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về cách ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; đưa nội dung giáo dục về ứng xử giao thông vào chương trình giảng dạy tại các trường học để nâng cao ý thức ngay từ nhỏ.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng do va chạm giao thông. Cảnh sát giao thông cần có mặt kịp thời tại hiện trường vụ tai nạn để xử lý nhanh vụ việc, tránh để mâu thuẫn leo thang; sử dụng camera giám sát để phát hiện và xử lý những trường hợp có hành vi bạo lực trên đường phố; tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm...