TPHCM tạm giữ hơn 2.600 hộp sữa không rõ nguồn gốc
Trong năm 2024 và quý I năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa do kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.
Ngày 24/4, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn TPHCM, đại diện Sở Công Thương TPHCM đã thông tin về tình hình thị trường sữa tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM, vừa qua, việc hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện trên thị trường làm dấy lên sự lo lắng chính đáng trong dư luận, nhất là với các bậc phụ huynh có con nhỏ và người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết liệt trong công tác quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương TPHCM đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm nói chung và sữa nói riêng.
Chi cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, y tế, chính quyền địa phương, tập trung tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra đột xuất đặc biệt tại các điểm tập kết hàng hóa, kho lạnh, tuyến phân phối và kênh bán hàng trực tuyến – nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về gian lận thương mại và hàng giả gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định xử lý đối với các hành vi vi phạm có liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TPHCM, các Đội Quản lý thị trường chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc buôn bán sữa giả như phản ánh tại một số địa phương khác.

Gần 600 nhãn hiệu sữa giả được cơ quan chức năng phát hiện.
Phó chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: "Trong năm 2024 và quý I năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ hơn 332.657 đơn vị sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá hơn 12,1 tỷ đồng, xử phạt trên 11,2 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt trên 165 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng,... Đây là những vi phạm có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em – đối tượng sử dụng sữa nhiều nhất".
Ông Nguyễn Quang Huy cho hay, để tiếp tục ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng sữa nói riêng và các mặt hàng thực phẩm nói chung, trong năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Bám sát và đầy đủ chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND TPHCM và trực tiếp là của Sở Công Thương TPHCM trong công tác kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thực phẩm.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt chú trọng công tác rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý, các kênh phân phối, các nền tảng thương mại điện tử có nguy cơ cao về hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng;
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tập trung tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Y tế, An toàn thực phẩm, Khoa học – Công nghệ,… để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng; khuyến cáo người tiêu dùng mua sản phẩm tại địa chỉ, website thương mại điện tử có uy tín, hàng hóa có nhãn hàng hóa và thông tin nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo đúng quy định, không mua hàng hóa trôi nổi, hàng giá rẻ bất thường, bao bì sơ sài và khuyến khích người tiêu dùng tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng.
Duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà đặc biệt trong đó là mặt hàng thực phẩm.
Kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm; áp dụng đúng quy định của pháp luật các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng.
Thời gian tới, Sở Công Thương TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác quản lý địa bàn, tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt xử lý vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không an toàn sử dụng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người...
Đồng thời, chủ động đề xuất các kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tăng cường phối hợp liên ngành và ứng dụng công nghệ trong giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn TPHCM.