Báo động chất lượng không khí ở Hà Nội
Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí, gần đây, Hà Nội thường xuyên là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới
AQI là chỉ số chất lượng không khí, dao động từ 0 đến 500. Chỉ số này càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng lớn. Theo đó, AQI mức 0-50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh; AQI 51-100: trung bình, màu vàng; AQI 101-150: kém, màu da cam; AQI 151-200: xấu, màu đỏ; AQI 201-300: rất xấu, màu tím và AQI 301-500 thể hiện chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.
Rất nguy hại với sức khỏe
Những ngày đầu năm 2025, Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Bầu trời nhiều lúc đùng đục, khó nhìn xa.
Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir, lúc 9 giờ sáng 3-1-2025, Hà Nội được xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở mức 305 - hết sức nguy hại với sức khỏe con người. Rất nhiều điểm đo quanh khu vực Hồ Tây ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại, như Hồ Tây Compound AQI 437, Ciputra AQI 388, Quảng Bá AQI 350… Đặc biệt, Quảng Khánh (Hồ Tây) có AQI lên tới 557 - vượt ngưỡng kịch khung.
Đến 8 giờ sáng 7-1, IQAir tiếp tục xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở mức 272 - rất có hại với sức khỏe con người. Hôm sau, lúc 8 giờ sáng 8-1, chất lượng không khí ở Hà Nội cải thiện chút ít, được IQAir xếp là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới với AQI 234, chỉ sau Kolkata - Ấn Độ…
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đang phải đối mặt các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Hiện Hà Nội có dân số hơn 9 triệu người, trong đó hơn 40% ở đô thị. Thành phố có 10 KCN, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 8 triệu xe máy và ô tô...
Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên. Đây các nguồn phát thải lớn, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho rằng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có tính quy luật theo mùa. Quãng thời gian này kéo dài từ tháng 10-11 năm trước tới tháng 4 năm sau, xảy ra chủ yếu tại một số khu vực có mật độ giao thông cao và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Mức độ ô nhiễm cũng dao động trong ngày, tập trung lúc 6-8 giờ và 17-19 giờ.
Nguyên nhân ô nhiễm không khí được xác định là do các nhóm nguồn thải chủ yếu từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt mỏ, các hoạt động dân sinh như sử dụng bếp than tổ ong và tình trạng khí hậu, thời tiết.
Cần giải pháp hiệu quả hơn
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 do Bộ TN-MT vừa công bố, ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi mịn, được đánh giá là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy ô nhiễm không khí tại nước ta đã gây thiệt hại tới 5%-7% GDP hằng năm.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, ước tính chi phí khám chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ bệnh với người dân nội thành bình quân là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp lên đến 2.000 tỉ đồng/năm. Ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Trọng Đông cho biết trước thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa sổ hàng trăm lò gạch thủ công; thí điểm đo khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát công trình xây dựng, thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên…
Để thực hiện hiệu quả những giải pháp cải thiện chất lượng không khí, ông Đông cho rằng cần có sự hỗ trợ, đồng hành từ các bộ, ngành liên quan và người dân cũng như các địa phương lân cận. Có như vậy mới mang lại bầu không khí trong lành cho người dân Hà Nội...
Giữa tháng 12-2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc xây dựng vùng phát thải thấp (LEZ). LEZ là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây phát thải, ô nhiễm không khí cho thành phố. Hà Nội đã chọn 2 quận trung tâm là: Ba Đình và Hoàn Kiếm để thí điểm thực hiện LEZ từ năm 2025. Từ năm 2031 trở đi, Hà Nội sẽ áp dụng vùng phát thải thấp ở hầu hết các quận.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nhiều thành phố trên thế giới, như Bắc Kinh - Trung Quốc, từng là tâm điểm ô nhiễm không khí. Nhờ quyết tâm của chính quyền các cấp với những chính sách, chương trình hành động hiệu quả cùng sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, chất lượng không khí ở Bắc Kinh đã cải thiện rất tốt.
Ông Tùng nhận xét TP Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí nhưng còn dàn trải. Ông khuyến nghị thành phố cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về những nguồn phát thải để có được số liệu cụ thể, mang tính khoa học. Từ đó, đặt ra mục tiêu giảm phát thải, phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành nghề, quận, huyện…
Mạnh tay xử lý vi phạm
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh để bảo vệ không khí, ngoài việc hoàn thiện thể chế liên quan, các địa phương cần xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, có lộ trình di dời cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; đóng cửa cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Duy, cần xử lý nghiêm các hành vi đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác thải đô thị tùy tiện; xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển để rơi vãi, phát tán vật liệu xây dựng ra môi trường…