Bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã nêu ra nhiều nội dung và đề xuất mới, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn và quy định mức đóng kinh phí công đoàn trong bối cảnh mới. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khẳng định, việc duy trì và cải thiện cơ chế tài chính công đoàn rất quan trọng để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.

Kinh phí công đoàn chăm lo trực tiếp cho người lao động

Dự án Luật Công đoàn đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Hiện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám sắp tới. Dự thảo nêu ra nhiều nội dung và đề xuất mới, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn và quy định mức đóng kinh phí công đoàn trong bối cảnh mới, nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Một trong những điểm được chú ý của dự thảo là đề xuất giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải đóng góp 2% tổng quỹ lương, tương tự như quy định hiện hành.

 Tổng LĐLĐ Việt Nam tham quan nhà máy Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nắm tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Ảnh: Hải Dương

Tổng LĐLĐ Việt Nam tham quan nhà máy Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nắm tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Ảnh: Hải Dương

Lý giải vấn đề này, tại hội nghị gặp mặt báo chí thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn tại Thái Nguyên vừa qua, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: 2% là mức đóng đã được áp dụng từ năm 1957, nhằm bảo đảm nguồn tài chính cho tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian qua. Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động.

Qua khảo sát tại các công đoàn cơ sở cũng cho thấy, nguồn kinh phí công đoàn này chủ yếu chăm lo cho người lao động vì số tiền được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Trong đó, chi cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động chiếm hơn 84% tổng số chi. Do vậy, việc giữ nguyên mức đóng này được đánh giá cần thiết để bảo đảm không gây ra cú sốc về phúc lợi cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức công đoàn đang nỗ lực thu hút và bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Công khai, minh bạch sử dụng nguồn tài chính công đoàn

Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng và thực tiễn tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, Dự thảo luật bổ sung quy định tại Điều 29 về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Những quy định này nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, nhưng vẫn bảo đảm được sự đồng hành của công đoàn trong việc chăm lo cho người lao động. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, doanh nghiệp đôi khi phải tạm dừng hoạt động hoặc điều chỉnh lại quy mô sản xuất kinh doanh.

Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung các quy định mới về kiểm tra, thanh tra, và kiểm toán giám sát tài chính công đoàn. Việc chỉnh sửa này nhằm tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, bảo đảm việc sử dụng kinh phí công đoàn được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, Điều 33 đã bổ sung một quy định hoàn toàn mới về việc công khai tài chính công đoàn, bảo đảm rằng mọi hoạt động liên quan đến tài chính đều được kiểm tra và công khai định kỳ, giúp tăng cường lòng tin của đoàn viên và người lao động đối với tổ chức công đoàn.

Dự thảo cũng hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Trong đó, sửa đổi Điều 1 thành Công đoàn Việt Nam. Về phạm vi điều chỉnh đã bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm theo hướng quy định chi tiết hơn và phân loại nhóm hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn (Điều 10)...

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi được xem là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế, trong bối cảnh các tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam cũng đang manh nha xuất hiện.

Ngọc Châm - Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-phuc-loi-on-dinh-cho-nguoi-lao-dong-post393090.html
Zalo