Bảo đảm PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh
Thời gian qua, tình hình cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn. Đáng chú ý, nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội là đô thị có tốc độ phát triển nhanh, cũng là thành phố có bề dày lịch sử với khu phố cổ và nhiều nhà ở thấp tầng có tuổi đời hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Trong đó, nhà ở kết hợp kinh doanh đang là mô hình phổ biến nhất hiện nay và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao nhất.
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đáng chú ý là yêu cầu quy định về nhà ở kết hợp kinh doanh cần rõ ràng cụ thể hơn, tránh quy định chung chung, khó khả thi khi triển khai.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV, chia sẻ: "Tôi ví dụ, bây giờ quy định là có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định. Nhưng vấn đề là ai quyết định thì không. Thứ hai, đây là loại hình mà hiện nay rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị, gần như là các nhà mặt phố đều có sự kết hợp kinh doanh. Bây giờ, nếu chúng ta không quy định cụ thể được thì nên giao cho Chính phủ hoặc giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định đối với các nội dung này".
Tháng 8 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở riêng lẻ với yêu cầu chung về thiết kế. PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho hay: "Ở phần 9 quy định này, quy định khi kinh doanh phải có giải pháp ngăn chia giữa không gian để ở với không gian để kinh doanh. Ngoài ra có các quy định về khoảng cách, giải pháp để ngăn cháy lan giữa các khu vực. Và thứ 3 là giải pháp để thoát nạn khi mà có hỏa hoạn xảy ra. Tức là có các lối thoát nạn theo tiêu chuẩn và các lối thoát nạn khẩn cấp".