Bảo đảm khả thi khi xử phạt đến 5% doanh thu với doanh nghiệp vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có nhiều ý kiến Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại tổ chiều 12/5. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại tổ chiều 12/5. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Cần quy định rõ các trường hợp

Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đều bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết của xây dựng Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hiện nay.

Đánh giá Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân còn một số quy định chưa rõ, có khả năng dẫn đến khoảng trống pháp lý, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần làm rõ ranh giới giữa các loại dữ liệu như dữ liệu định danh, dữ liệu hành vi, dữ liệu tài chính và các dữ liệu khác, đặc biệt là giữa dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân để có biện pháp quản lý tương ứng. Đồng thời rà soát, sử dụng các khái niệm và phân loại để bảo đảm tương thích các cái chuẩn mực quốc tế...

Đối với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với mức xử phạt từ 1 – 5 % doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. “Cần quy định chi tiết, bổ sung về việc giao cho Chính phủ quy định về cơ chế xử phạt, điều tra, nguyên tắc xác định thế nào là 1 - 5% doanh thu năm liền trước. Bởi nếu không xác định nguyên tắc nội dung này trong dự án luật thì rất khó để Chính phủ quy định chi tiết”, đại biểu Sơn đề nghị. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung cơ chế để bảo vệ người tố cáo hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần quy định chi tiết, bổ sung nội dung về việc giao cho Chính phủ quy định về cơ chế xử phạt, điều tra, nguyên tắc xác định thế nào là 1 - 5% doanh thu năm liền trước. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần quy định chi tiết, bổ sung nội dung về việc giao cho Chính phủ quy định về cơ chế xử phạt, điều tra, nguyên tắc xác định thế nào là 1 - 5% doanh thu năm liền trước. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng cần xác định rõ các trường hợp để bảo đảm thực hiện được việc xử phạt từ 1 – 5 % doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. “Có những trường hợp rất khó để xác định, xử phạt từ 1 - 5 % doanh thu của năm trước. Ví dụ như doanh nghiệp mới thành lập đã vi phạm, chưa có doanh thu của năm trước thì xử phạt như thế nào? Hoặc là với những doanh nghiệp thành lập lâu rồi nhưng năm liền kề trước đó không có doanh thu hoặc có doanh thu nhưng không có lợi nhuận thì xử phạt thế nào? Vì vậy cần phải bổ sung các quy định đối với từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể”, đại biểu Nga phân tích.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc chủ thể dữ liệu được tự chỉnh sửa dữ liệu của mình để tránh lạm dụng, làm sai lệch dữ liệu. Về quyền xóa dữ liệu, đại biểu cũng đề nghị là quy định rõ là trường hợp nào thì chủ thể dữ liệu được tự xóa dữ liệu cá nhân của mình. Bởi nếu chỉ quy định chung chung là được quyền tự xóa hoặc là yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân thì cũng chưa chặt chẽ...

Bổ sung quy định xử phạt cá nhân vi phạm

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp bày tỏ băn khoăn với quy định mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải có tối thiểu một chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp bày tỏ băn khoăn với quy định mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải có tối thiểu một chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng hiện nay có rất nhiều cá nhân vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, trong dự án luật mới quy định về mức xử phạt tổ chức, doanh nghiệp mà chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định và khung phạt về xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân để có căn cứ thực hiện xử phạt và bảo đảm tính răn đe...

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn bày tỏ băn khoăn với quy định mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải có tối thiểu một chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. “Đối tượng yêu cầu phải có tối thiểu một chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân rất rộng và chúng ta lấy đâu ra nhiều chuyên gia như vậy. Trong khi đó đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới hơn 98 % tổng xuất doanh nghiệp. Ngoài ra thì còn có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ... Vì vậy việc bắt buộc các đối tượng này phải có chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa phù hợp, có thể gây tốn kém, không cần thiết và không hiệu quả”, đại biểu Hoàn nêu ý kiến.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng vẫn còn tình trạng mua bán dữ liệu khách hàng giữa các công ty tài chính, ngân hàng nhỏ và các công ty môi giới tín dụng, công ty thu hồi nợ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng vẫn còn tình trạng mua bán dữ liệu khách hàng giữa các công ty tài chính, ngân hàng nhỏ và các công ty môi giới tín dụng, công ty thu hồi nợ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đánh giá Dự án Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đã phân loại độ tuổi rõ ràng trong xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, đại biểu Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, viên chức ngành y tế đề nghị cân nhắc quy định ưu tiên sự đồng ý của trẻ em trong một số trường hợp. Theo đại biểu trẻ em từ 7 - 15 tuổi chưa có đầy đủ nhận thức để đánh giá rủi ro, nhất là trong các tình huống dữ liệu bị lạm dụng. Nếu cha mẹ phản đối mà vẫn lấy ý kiến của trẻ em làm quyết định cuối cùng có thể gây hệ lụy cho cả trẻ em và gia đình.

Đại biểu đề nghị quy định trường hợp có mâu thuẫn thì ưu tiên xem xét theo hướng có lợi nhất cho trẻ em dựa trên đánh giá cụ thể của cơ quan, tổ chức hoặc nền tảng xử lý dữ liệu thay vì mặc định ưu tiên ý kiến của trẻ em. “Hiện nay có nhiều ứng dụng học trực tuyến, nền tảng giáo dục hoặc trò chơi trên mạng yêu cầu đăng ký tài khoản bằng số điện thoại của cha mẹ nhưng sau đó lại sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ để gợi ý quảng cáo, gửi thông tin. Một số trường học cũng thu thập dữ liệu hình như hình ảnh, điểm số sức khỏe mà không có quy trình xin ý kiến của phụ huynh", đại biểu Dung nêu ý kiến.

Về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động ngân hàng, tài chính, tín dụng và thông tin tín dụng, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng vẫn còn tình trạng mua bán dữ liệu khách hàng giữa các công ty tài chính, ngân hàng nhỏ và các công ty môi giới tín dụng, công ty thu hồi nợ. Danh sách khách hàng gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ lịch sử nợ xấu bị rao bán công khai trên mạng.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung chế tài rõ ràng, cụ thể hơn, kèm theo khoản cấm, ví dụ như quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc quản lý, truy xuất nguồn dữ liệu, rò rỉ và hình thức xử lý nếu vi phạm. Đồng thời bổ sung nghĩa vụ về giáo dục tài chính, dữ liệu cho người tiêu dùng...

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bao-dam-kha-thi-khi-xu-phat-den-5-doanh-thu-voi-doanh-nghiep-vi-pham-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-411415.html
Zalo