Bảo đảm đồng bộ, thông suốt khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, có sự đồng bộ, thông suốt khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập TP.HCM với hai tỉnh còn lại.
Chiều 15-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 39.
Một trong những nội dung quan trọng tại hội nghị là việc phối hợp với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện quá trình sáp nhập tỉnh, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Sắp xếp lại các sở, ngành, cơ quan hành chính khi sáp nhập tỉnh
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ hội nghị thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gợi mở nội dung thảo luận. Ảnh: THANH THÙY
Hội nghị cũng cho ý kiến về đề án sắp xếp, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh; đề án kết thúc đảng bộ cấp huyện, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã tại Đảng bộ TP.HCM và một số nội dung quan trọng khác.
Theo ông, đây là những nội dung quan trọng, đột xuất, cấp bách và đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp xây dựng hoàn thiện các phương án, đề án với chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở cho quá trình triển khai sắp tới.
Trong đó, tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án, các bước tiến hành, lộ trình sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP.HCM.
Nội dung cần chú ý đến là quy mô, số lượng, tên gọi các xã, phường, vừa bảo đảm tỉ lệ, dân số, diện tích, điều kiện và các tiêu chí, quy định, vừa phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù, yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp với hai tỉnh là Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành các bước sắp xếp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Trong đó có việc sắp xếp lại các sở, cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh để bảo đảm đồng bộ, tương thích, hài hòa giữa ba địa phương.
Sắp xếp để chạy tới nhanh hơn, bền vững hơn, tốt hơn, phục vụ bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, có sự đồng bộ, thông suốt khi tiến hành sắp xếp với hai tỉnh còn lại.
Hiện Trung ương cũng có những chỉ đạo liên tục để triển khai thực hiện trong thời gian nhất định. Mới đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã có nhiều quyết định mang tính lịch sử, tinh gọn tổ chức bộ máy như sáp nhập tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; tổ chức lại ĐVHC các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại hệ thống tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; hệ thống tư pháp, tòa án, VKSND các cấp.
Siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ
Đề án xây dựng phương án hợp nhất 03 đơn vị hành chính (viết tắt là ĐVHC) cấp tỉnh gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TP.HCM trên cơ sở thực hiện hai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, sắp xếp ĐVHC cấp xã; bảo đảm sau sắp xếp TP.HCM là TP trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế của 03 tỉnh, TP về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sắp tới.
TP.HCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 168 ĐVHC trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
“Có thể nói đây là những quyết định mang tính “lần đầu tiên”, thực hiện một cuộc cách mạng sâu rộng để định hình lại mô hình tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở một cách căn cơ, toàn diện” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Ông cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo cùng với các cơ quan tham mưu, các cơ quan chức năng, các cấp cùng triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Ông cũng chia sẻ giờ đây TP.HCM không chỉ có sự phối hợp trong TP mà còn cần phối hợp cùng hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu khi sáp nhập, mở rộng. Vì vậy, cần đánh giá sát, đúng và thực chất, rõ ràng, đầy đủ để nhận diện những việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
Quan tâm chính sách đối với cán bộ bị tác động
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu có phương án, các bước thực hiện và lộ trình sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn. Trong đó chú ý đến quy mô, số lượng, tên gọi các xã, phường nhằm đảm bảo được tỉ lệ, yêu cầu về diện tích, dân số và điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng cần đảm báo các tiêu chí trên quy định chung, phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù, phù hợp với tình hình mới, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, đây là câu chuyện rất mới, rất quan trọng, không chỉ là sắp xếp ĐVHC đơn thuần.
“Yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị là sắp xếp phải tốt hơn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, thống nhất cao, triển khai thực hiện để tạo chuyển biến mới, những gì còn vướng mắc thì bàn bạc hết sức kỹ để tránh.
Sắp xếp để chạy tới nhanh hơn, bền vững hơn, tốt hơn, phục vụ bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, chuyển từ bị động hành chính sang chủ động phục vụ nhân dân” - Bí thư TP.HCM yêu cầu.
Bên cạnh đó, cho ý kiến về phương châm chỉ đạo đối với công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bố trí người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập.
Quan tâm chính sách đối với cán bộ bị tác động khi sắp xếp; những vấn đề cần quan tâm trong quá trình sắp xếp hệ thống tổ chức Đảng cấp xã và kết thúc đảng bộ cấp huyện.•
Quận 1 sẽ có Phường Sài Gòn, Quận 5 sẽ có Phường Chợ Lớn
Chiều tối 15-4-2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM đã ra thông cáo báo chí thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, đối với sắp xếp ĐVHC cấp xã, Đảng ủy UBND TP kiến nghị Phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành lập 102 ĐVHC cấp xã mới. Khi thực hiện Phương án sắp xếp 102 ĐVHC cấp xã mới sẽ kết hợp điều chỉnh ranh địa giới tại đơn vị đang có ranh chồng lấn. Về điều chỉnh tên gọi các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo tại phiên họp ngày 13-4-2025, Quận 1 sẽ có một ĐVHC lấy tên là Sài Gòn; Quận 5 có một ĐVHC lấy tên là Chợ Lớn.
Thông cáo cho biết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, thống nhất chủ trương giảm khoảng 60% - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay theo tỷ lệ chung cả nước; đồng thời bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Trung ương. Tuy nhiên không đặt nặng vấn đề tỷ lệ và sắp xếp cơ học theo không gian đơn vị hành chính cũ, mà cần phải tính toán, bố trí lại không gian phù hợp, hài hòa, bảo đảm gần dân, sát dân, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Đặc biệt về tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu, đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Về lộ trình, TP sẽ hoàn thành tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30-6-2025. Triển khai thành lập tổ chức đảng cấp xã song hành với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời tập trung chuẩn bị kế hoạch kết thúc hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị cấp huyện, hoàn thành trước ngày 01-7-2025.
Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hoàn thành đi vào hoạt động trước ngày 15-9-2025.
Hoàn thành Văn kiện Đại hội và Phương án nhân sự Đại hội trước ngày 30-9-2025. Tích cực và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, hoàn thành tổ chức Đại hội Đảng bộ Thành phố trước ngày 31-10-2025.