Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Ngày 16/4 , tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề 'Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh' - trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G 2025). Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phiên thảo luận Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Ảnh: MOST
Chuyển đổi xanh là tất yếu
Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nhằm tạo diễn đàn đối thoại cởi mở giữa cơ quan quản lý, khu vực tư nhân và các tổ chức hỗ trợ, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực đầu tư, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững”.

Ông Hoàng Minh- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh MOST
Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 "kỳ lân", 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Trong số này, ước tính có khoảng 200–300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Con số này tương đương với khoảng 5–7% tổng số startup hiện nay.
Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, xác định thách thức, tìm ra giải pháp và đề xuất các sáng kiến đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh. Chúng ta không chỉ bàn về những ý tưởng, mà cần hướng đến hành động cụ thể, tạo ra sự thay đổi thực chất, thúc đẩy đầu tư và phát triển mô hình kinh doanh bền vững một cách hiệu quả.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều tham luận sâu sắc từ các chuyên gia đầu ngành và tổ chức quốc tế, bao gồm:
TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: “Cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh”.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường: “Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh tại Việt Nam”. TS. Malle Fofana - Giám đốc khu vực châu Á, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): “Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh”
Bên cạnh đó, phiên thảo luận với sự tham gia của Lãnh đạo và đại diện Lãnh đạo từ P4G, State of Green, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, startup vật liệu sinh học Buyo Bioplastics và quỹ đầu tư Touchstone đã mang lại những trao đổi sôi nổi về tiềm năng hợp tác đa phương, cơ chế tài chính xanh và cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế - môi trường - xã hội trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Dr. Malle Fofana - Giám đốc, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực Châu Á. Ảnh MOST
Thúc đẩy hợp tác công- tư
Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ KH&CN nhấn mạnh: “Diễn đàn đã góp phần định hình các ưu tiên chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, và tạo động lực mới cho các sáng kiến khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi toàn diện hướng tới phát thải ròng bằng 0”.
Thông qua các bài tham luận chuyên sâu và phiên thảo luận sôi nổi, chúng ta đã cùng chia sẻ nhiều góc nhìn giá trị, từ chính sách, cơ chế khuyến khích, đến những mô hình thực tiễn thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh. Đặc biệt, những kinh nghiệm quốc tế và sáng kiến hợp tác đã mở ra thêm nhiều định hướng và cơ hội hợp tác cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Quất khẳng định: “Là đơn vị trực tiếp tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa các bên liên quan: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ và các đối tác quốc tế. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy việc hình thành các chính sách linh hoạt, thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh và bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và góp ý từ quý vị đại biểu, các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp để cùng nhau hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam – xanh hơn, vững mạnh hơn và có sức lan tỏa quốc tế hơn”...