Bảo đảm đãi ngộ với người tài trong ngành giáo dục

Tiếp theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Dự thảo Luật Nhà giáo.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Tờ trình dự thảo Luật do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo đã đề cập đến một số bất cập cho thấy sự cần thiết phải ban hành luật.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo…chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo.

Đời sống của nhà giáo còn khó khăn, nhiều nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với nhà giáo.

Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo đã bỏ việc, chuyển việc nhất là nhà giáo trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu…

Để khắc phục hạn chế nói trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Điều này giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ tri thức dự thảo luật quy định việc kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, cho phép cơ sở giáo dục (bao gồm cả các cơ sở giáo dục phổ thông) có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.

Tránh câu chuyện “sống lâu lên lão làng”

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo cần làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; có phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý giáo dục hay không.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.

Nêu ý kiến thảo luận, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cho rằng việc cải cách tiền lương cho nhà giáo là rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu, rà soát để linh hoạt hơn khi triển khai.

"Phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng linh hoạt, bảo đảm đãi ngộ với người tài trong ngành giáo dục, tránh câu chuyện “sống lâu lên lão làng”, lương cứ tăng tuần tự, trong khi đó, người giỏi, người sau làm tốt nhưng lại không có chính sách khuyến khích" - ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-dam-dai-ngo-voi-nguoi-tai-trong-nganh-giao-duc-20240925150905915.htm
Zalo