Bảo đảm chất lượng không khí của Hà Nội

Hà Nội là trung tâm văn hóa - kinh tế của cả nước, là điểm đến ưa thích của đông đảo du khách quốc tế. Vì vậy, việc bảo đảm chất lượng không khí tại Thủ đô, tạo môi trường sống trong lành, sạch đẹp luôn là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết đối với chính quyền thành phố.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Do các phương tiện giao thông đường bộ, hoạt động đốt rơm rạ ở một số vùng ven, sự biến đổi khí hậu... Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Lê Thanh Nam: Thành phố đã có nhiều giải pháp, trong đó tập trung triển khai, rà soát và thực hiện các kế hoạch quản lý chất lượng về môi trường. Sở cũng đã xây dựng và báo cáo UBND thành phố ban hành 14 nhiệm vụ, giải pháp tổng quan và thực hiện theo Luật Thủ đô 2024.

Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN BẮC

Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN BẮC

Đồng thời xây dựng vùng phát thải thấp với khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng không khí, bên cạnh đó điều chỉnh và xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô. UBND thành phố giao sở giao thông vận tải tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích hoạt động đầu tư phương tiện và các cơ sở hạ tầng công cộng như xe buýt điện, phương tiện sử dụng năng lượng xanh để bảo vệ môi trường và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Nhấn mạnh một số kết quả mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Lê Thanh Nam cho biết: "Thành phố đã cơ bản xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, hạn chế hoạt động đốt rơm rạ và chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công; đồng thời triển khai thí điểm việc đo khí thải ô tô, xe máy đang lưu hành làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện không khí; tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm, các công trình xây dựng. Cùng với đó, kiểm soát kỹ hoạt động tập kết vật liệu xây dựng như cát, xi măng tại lòng đường, hè phố.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải thì tiếp tục tăng cường quản lý phương tiện, tiến tới giảm dần ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thiết kế hạ tầng giao thông cho xe đạp; điều tiết, phân luồng và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, trồng thêm cây xanh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cấp, các ngành và đặc biệt của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu tăng mức xử phạt với những hành vi xả thải ra môi trường.

Thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, ngày 10-12-2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua sáng-xanh-sạch-đẹp. Kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, nước thải đến cải thiện chất lượng không khí nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo thành phố.

Huy động toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia hành động làm sáng-xanh-sạch-đẹp Thủ đô với sự cam kết từ các cấp, ngành, tổ chức và người dân trong việc thực hiện những biện pháp bảo vệ môi trường, tạo ra phong trào rộng khắp, mạnh mẽ. Qua đó nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử đối với môi trường Thủ đô, xây dựng nếp sống văn minh, có trách nhiệm, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

PHẠM HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-chat-luong-khong-khi-cua-ha-noi-807542
Zalo