Bảo đảm an toàn thông tin mạng dịp Tết Ất Tỵ
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ là thời điểm các đối tượng tin tặc tăng cường tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan Nhà nước hoặc lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin xấu, độc, tin giả nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước. Do vậy, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động các biện pháp nâng cao cảnh giác và trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.
Chúng ta đều biết, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thời điểm này, ngoài chuẩn bị các hoạt động vui Xuân đón Tết, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đang khẩn trương, gấp rút thực hiện nhiều chủ trương lớn để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây chính là thời điểm các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá, trong đó sẽ tập trung vào khai thác trên không gian mạng.
Để không bị động, bất ngờ, kịp thời kiểm soát tình hình, các cấp, ngành cần nâng cao cảnh giác, phòng chống từ sớm, từ xa, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm. Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp tăng cường nguồn lực cho hoạt động giám sát an toàn thông tin mạng, rà soát, xử lý mã độc, bảo đảm an toàn thông tin 24/7; phân công nhân sự theo dõi thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu, thay đổi giao diện.
Đồng thời chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá, phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật; săn lùng mối nguy hại và bóc gỡ phần mềm độc hại cho toàn bộ máy chủ, máy trạm trong hệ thống thông tin. Rà soát, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo.
Các cơ quan, đơn vị cần sẵn sàng các phương án ứng phó, xử lý sự cố tấn công mạng và nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống thông tin trong trường hợp xảy ra sự cố. Nếu gặp sự cố tấn công mạng cần tuân thủ nghiêm quy định và chỉ đạo của tỉnh. Duy trì kết nối, kịp thời chia sẻ thông tin với Sở Thông tin và Truyền thông để có phương án xử lý, khắc phục khi có sự cố. Cần nhất là nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin mạng cho cán bộ, nhân viên, chủ động nhận biết và loại bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, thông tin lừa đảo và thông tin xuyên tạc, chống phá. Sử dụng Tổ công nghệ số cộng đồng để thông tin, tuyên truyền trong toàn xã hội.
Tham gia tích cực vào hoạt động này, ngoài chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn, rất cần vai trò của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, Mobiphone… phải đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động thông suốt, đặc biệt chú trọng các địa điểm du lịch, khu di tích lịch sử, nơi tổ chức các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng và các hoạt động văn hóa, thể thao...
Bố trí đủ kênh, đủ luồng đảm bảo hạ tầng mạng lưới và dịch vụ viễn thông (cố định, internet, di động…) hoạt động an toàn, thông suốt; tăng cường dung lượng truyền dẫn trong nước, quốc tế để đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức và người dân. Xây dựng các phương án tối ưu dự phòng phân tải, ứng cứu tình huống, sự cố bất thường gây tắc nghẽn mạng và dịch vụ viễn thông. Rà soát, triển khai đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu, độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống thông tin, hạ tầng mạng lưới, nền tảng số thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, cần phải quan tâm theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống xử lý của Cục An toàn thông tin. Quyết liệt, triệt để xử lý các trường hợp phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo mà người dùng phản ánh…