Bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia

Ngày 21/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo - triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024, với chủ đề 'An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia'.

Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận về xu hướng và các giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ hạ tầng dữ liệu số, bảo đảm vận hành an toàn của các nền tảng số quốc gia trong hành trình chuyển đổi số đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, 5G đang được thúc đẩy mạnh mẽ, hạ tầng dữ liệu được xem là bộ phận quan trọng nhất của hạ tầng số.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hạ tầng số phát triển nhanh chóng, trong đó có hạ tầng dữ liệu. Thời gian qua ghi nhận sự đầu tư và phát triển vượt bậc về hạ tầng dữ liệu tại Việt Nam. Nhiều trung tâm dữ liệu lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động.

Theo ông Hưng, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia mang lại nhiều cơ hội phát triển, những thay đổi lớn về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhưng cũng đặt ra những thách thức, rủi ro về an ninh, an toàn thông tin.

Trong bối cảnh các vụ tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, gây ra những tác hại vô cùng lớn, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số quốc gia chính là để bảo vệ không gian mạng quốc gia, góp phần tạo nền móng an toàn, vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số.

“Với tầm quan trọng đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số cần được quan tâm ngay từ những bước đầu xây dựng, với quy tắc “bảo đảm mức an toàn cao nhất”. Bảo đảm an toàn thông tin phải luôn song hành với việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu và nền tảng số. Đây là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin đang hoạt động tại Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu “vươn mình” của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, một trong những trụ cột chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội...

Trong những năm vừa qua, với lợi thế dân số trẻ, năng động, có khả năng tiếp thu công nghệ nhanh, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của các nền tảng công nghệ số Make in Việt Nam, do Việt Nam làm chủ từ khâu thiết kế đến sản xuất. Đi kèm theo đó là xu thế phát triển tất yếu, hết sức mạnh mẽ của hạ tầng dữ liệu phục vụ cho các nền tảng số này.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số quốc gia thành công, một trong những yêu cầu tất yếu, mang tính bắt buộc là công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số.

“Hơn bao giờ hết, nhiệm vụ này đã trở thành yêu cầu vô cùng quan trọng, cấp thiết. Đây không chỉ đơn thuần là bảo đảm an toàn, an ninh về mặt kỹ thuật như trước đây chúng ta vẫn suy nghĩ, mà là bài toán rất lớn liên quan đến bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia trên không gian số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Đề cập một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin; yêu cầu các cơ quan, tổ chức chủ động rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống thông tin, triển khai đầy đủ quy định hiện hành về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Các cơ quan, tổ chức sẽ tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam, của Việt Nam, do Việt Nam thiết kế, sản xuất, đặc biệt những hệ thống giám sát, phát hiện và phòng, chống tấn công mạng tự động ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để kịp thời, sẵn sàng ứng phó ngay với các sự cố mất an toàn thông tin.

Tại phiên khai mạc, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi về một số chủ đề như: Tình hình bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam; bảo mật cho thiết bị UAV/drone, bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh đang phát triển.

Đồng thời, thảo luận về giải pháp an ninh mạng dành cho cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Việt Nam, cũng như giải pháp phòng, chống thất thoát dữ liệu và lừa đảo trực tuyến.

Trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 diễn ra 3 phiên hội thảo chuyên đề: “Ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu”, “Bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số”; “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dam-an-toan-thong-tin-cho-ha-tang-du-lieu-va-nen-tang-so-quoc-gia-180949.html
Zalo