Bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông

Bắt đầu từ năm 2025, các quy định mới tập trung vào việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em đã mở ra triển vọng tích cực trong việc giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đối tượng này.

Phụ huynh chở con trẻ trên xe máy cần bảo đảm sự an toàn. (Ảnh: PV)

Phụ huynh chở con trẻ trên xe máy cần bảo đảm sự an toàn. (Ảnh: PV)

Siết quy định, tăng mức phạt

Những ngày qua, thông tin người lái xe máy chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước sẽ bị CSGT phạt 10 triệu đồng đang được dư luận chú ý và bàn luận sôi nổi trên khắp mạng xã hội. Đây là một trong các quy định trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe vừa có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, tại điểm h khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngồi phía sau và vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, ngoại trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước. Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, quy định này được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cả người lái và hành khách, đặc biệt là trẻ em. Theo đó, người điều khiển xe máy không được phép ngồi phía sau và vòng tay qua người ngồi trước để lái xe, bởi hành vi này không chỉ làm mất tầm nhìn, giảm khả năng kiểm soát xe mà còn tăng nguy cơ tai nạn do tư thế điều khiển không vững vàng.

Điểm đáng chú ý là quy định này vẫn cho phép trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước người lái, bởi đây là nhu cầu thực tế khi cha mẹ chở con nhỏ và cần đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi còn nhỏ, khó tự giữ thăng bằng khi ngồi phía sau, nên việc ngồi phía trước giúp cha mẹ dễ dàng quan sát và bảo vệ trẻ hơn. Tuy nhiên, từ 6 tuổi trở lên, trẻ đã có khả năng ngồi độc lập phía sau, đồng thời việc ngồi phía trước người lái không còn phù hợp vì có thể cản trở thao tác điều khiển xe và tăng rủi ro trong trường hợp bất ngờ.

“Quy định này không chỉ là biện pháp bảo vệ người tham gia giao thông mà còn là lời nhắc nhở để phụ huynh cân nhắc kỹ lưỡng hơn về cách di chuyển an toàn cho con em mình, đồng thời tạo ra thói quen giao thông đúng đắn ngay từ những hành động nhỏ nhất”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Kỳ vọng thay đổi ý thức phụ huynh

Theo số liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có hơn 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Trước thực trạng trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có hành động thiết thực giúp kéo giảm tỉ lệ thương vong do tai nạn giao thông ở trẻ em, tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn đang ở mức rất cao.

Có nhiều nguyên nhân khiến số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em vẫn còn ở mức cao, trong đó nguyên nhân chính là ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh còn hạn chế. Điển hình như một bộ phận phụ huynh vẫn thường xuyên có những hành vi vi phạm luật khi chở con em bằng mô tô, xe máy. Dạo qua các tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh đèo trẻ em nhưng vi phạm luật giao thông như chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,… Hoặc không thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn như không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, để trẻ ngồi phía trước xe,…

Trong bối cảnh này, những quy định mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Nghị định 168/2024/NĐ-CP không chỉ là giải pháp pháp lý mà còn là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh. Như với quy định mới tại điểm h khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã nói ở trên, việc nâng mức phạt lên cao gấp 30 lần so với trước được kỳ vọng sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn đối với những hành vi thiếu cẩn trọng, như không tuân thủ các quy định an toàn khi chở trẻ. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu các rủi ro đáng tiếc trong giao thông cho các em, nhất là khi mô tô, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của phần lớn gia đình tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, với việc siết chặt quy định và tăng mức xử phạt, Nhà nước đang đặt nền móng cho một văn hóa giao thông an toàn hơn, nơi mỗi chuyến xe không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một không gian an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Những tác động tích cực từ quy định này hứa hẹn sẽ không chỉ giảm thiểu tổn thất, thương đau do tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng ý thức trách nhiệm chung, để “an toàn giao thông cho trẻ em” thành ưu tiên hàng đầu trong mỗi gia đình và cộng đồng.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-an-toan-cho-tre-khi-tham-gia-giao-thong-post537827.html
Zalo