Báo Công Thương tổ chức 'Hành trình về nguồn 2024' với nhiều hoạt động ý nghĩa

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương (2/10/1945 - 2/10/2024), trong 2 ngày 10-11/8, Báo Công Thương tổ chức ''Hành trình về nguồn''.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương (2/10/1945 - 2/10/2024), trong 2 ngày 10-11/8, Đảng ủy và Ban chấp hành Công đoàn Báo Công Thương đã tổ chức Chuyến công tác với tên gọi "Hành trình về nguồn 2024” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, dâng hương tại khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương tại tỉnh Tuyên Quang và khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên.

Đây là hoạt động thường niên của Báo Công Thương nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó giúp các cán bộ, phóng viên tìm hiểu về lịch sử cũng như các hoạt động của ngành Công Thương trong những ngày đầu thành lập.

Hành trình về nguồn là hoạt động thường niên của Báo Công Thương nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, cùng vói đó giúp các cán bộ, phóng viên tìm hiểu về lịch sử cũng như các hoạt động của ngành Công Thương (Đoàn Báo Công Thương dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại lán Nà Nưa)

Hành trình về nguồn là hoạt động thường niên của Báo Công Thương nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, cùng vói đó giúp các cán bộ, phóng viên tìm hiểu về lịch sử cũng như các hoạt động của ngành Công Thương (Đoàn Báo Công Thương dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại lán Nà Nưa)

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt - An toàn khu Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; với sự hướng dẫn và thuyết minh của nhân viên Khu di tích, Đoàn đã tham quan lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Từ căn lán đơn sơ này, với những nhận định đúng đắn về tình hình trong nước và quốc tế, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có những quyết sách đưa cách mạng Việt Nam làm nên những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại.

Đoàn tham quan lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.

Đoàn tham quan lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.

Cùng với đó, Đoàn đã tham quan di tích đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội, được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/8/1945. Đứng dưới mái đình Tân Trào đã phủ màu thời gian, trước "Tấm đá thề" đặt trước cửa đình, những cán bộ, phóng viên Báo Công Thương như nghe vang đâu đây lời hiệu triệu đoàn kết, thống nhất và lời thề "dù phải hy sinh đến giọt máu cuôí́ cùng cũng không lùi bước"quyết tâm giành cho được độc lập, tự do về cho nước nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hàng nghìn đồng bào.

Di tích đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội, được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.

Di tích đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội, được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.

Tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên hành trình về nguồn đến với “thủ đô kháng chiến Tân Trào”, một địa điểm có ý nghĩa rất lớn đối với tập thể những người đang công tác tại Báo Công Thương đó là Khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Tại đây, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cùng Đoàn công tác đã dâng hoa và thắp nén hương thành kính tưởng nhớ các thế hệ cán bộ của Bộ Công Thương đã sống và làm việc tại đây trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tại khu di tích vẫn còn tấm bia đá tưởng niệm đã ghi lại những dấu mốc về lịch sử hình thành từ những ngày đầu thành lập của Bộ Công Thương với những dòng chữ: “Ngày 14/5/1951, theo Sắc lệnh số 21/SL, Bộ Kinh tế đổi tên thành Bộ Công Thương. Cơ quan Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Don, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tại nơi đây, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bộ Công Thương đã tiếp tục bổ sung điều chỉnh các chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp trong giai đoạn mới của công cuộc kháng chiến, ra sức phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thực hiện chính sách “tự do nội thương, quản lý ngoại thương”… Cũng tại nơi đây, đầu tháng 3/1952, cán bộ nhân viên Bộ Công Thương rất vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, ân cần chỉ bảo động viên”…

Tấm bia đá tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương

Tấm bia đá tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương

Những dòng chữ tuy ngắn gọn nhưng đã làm toát lên lịch sử từ những ngày đầu thành lập của Bộ Công Thương đến nay. Nhìn vào lịch sử, những cán bộ, phóng viên của Báo Công Thương hôm nay càng cảm thấy biết ơn với những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân và càng thấy tự hào hơn khi đã và đang dùng ngòi bút của mình đóng góp một phần nhỏ bé sức lực, tô thắm cho sự phát triển, truyền thống của ngành Công Thương - một ngành có bề dày lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những cán bộ, phóng viên hôm nay càng thấy biết ơn với những đóng góp của các bậc tiền nhân và càng thấy tự hào khi đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của ngành Công Thương.

Những cán bộ, phóng viên hôm nay càng thấy biết ơn với những đóng góp của các bậc tiền nhân và càng thấy tự hào khi đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của ngành Công Thương.

Chia sẻ tại lễ dâng hương, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cho biết: “Về mảnh đất cội nguồn thiêng liêng này, càng tự hào về sự lớn mạnh của ngành Công Thương, chúng ta càng ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ, ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo, người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ đã không ngừng cống hiến, hy sinh để ngành Công Thương lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày nay của Báo Công Thương nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hết mình để tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành hơn 70 năm qua”.

Tiếp nối "Hành trình về nguồn”, sáng 11/8, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Báo Công Thương đã đến thăm Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - một “địa chỉ đỏ” trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”.

Đoàn đến thăm Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đoàn đến thăm Di tích quốc gia, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc (nay là huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cây bút trụ cột trong các cơ quan báo chí hoặc lĩnh vực văn hóa văn nghệ của đất nước. Những ký ức hào hùng về ngôi trường đặc biệt này được tái hiện chi tiết trong các phòng trưng bày của công trình di tích vừa hoàn thành tôn tạo.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chia sẻ khi tham gia khu di tích, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cho rằng, thông qua các hiện vật, tư liệu được trưng bày, các thế hệ phóng viên của Báo Công Thương càng hiểu thêm về những đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây đắp nền báo chí nước nhà của những nhà báo cách mạng. Thông qua đó, các cán bộ, phóng viên của Báo cũng cần tiếp tục trau dồi kiến thức, chuyên môn để trở thành những cây bút tiên phong trên mặt trận báo chí nói chung và báo chí trong lĩnh vực kinh tế nói riêng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ khi Người đã hai lần gửi thư động viên tinh thần, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo chí cách mạng cho các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây Người căn dặn: "Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!"

Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cùng các cán bộ, phóng viên thăm quan khu di tích

Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cùng các cán bộ, phóng viên thăm quan khu di tích

Có thể nói, 79 năm đồng hành cùng đất nước, cùng ngành Công Thương, Báo Công Thương đã đi từ những mùa xuân đầu tiên đầy khó khăn của ngày mở nước đến những mùa xuân đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay. Ngòi bút của những nhà báo nói chung và người làm Báo Công Thương hôm nay vẫn chung nhịp quân hành, tiếp tục xung kích trên trận tuyến kinh tế cùng khát vọng của Bác Hồ năm xưa để đất nước ta dân giàu nước mạnh, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

"Hành trình về nguồn năm 2024" đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Báo Công Thương. Qua hoạt động này, Đảng ủy, Công đoàn Báo mong muốn mỗi cán bộ, viên chức, người lao động nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về truyền thống của Đảng, của dân tộc, của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng thời qua các hoạt động giao lưu giúp thắt chặt hơn sự đoàn kết, tình cảm gắn bó giữa các thành viên; tiếp thêm động lực, tinh thần để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyên Thảo - Thúy Vy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-cong-thuong-to-chuc-hanh-trinh-ve-nguon-2024-voi-nhieu-hoat-dong-y-nghia-338367.html
Zalo