Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống
Tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức mới đây, lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp, một hướng đi mới hiện nay.
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, một hướng đi đang hiện rõ là báo chí xây dựng, báo chí giải pháp. Các cơ quan báo chí không chỉ đưa tin, mà còn đề xuất những giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng.
Vì sao độc giả né tránh tin tức?
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, cho rằng, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Thực tế cho thấy, báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới. Chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” được lựa chọn cho Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, theo Reuters, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng né tránh tin tức là thông tin quá tải, tác động tiêu cực đến tâm trạng độc giả và cảm giác bất lực trước tin tức. Một số người né tránh tin tức vì cho rằng, thông tin lặp đi lặp lại nhàm chán. Bản chất tiêu cực của tin tức cũng khiến độc giả thấy lo lắng, bất lực.
Khi niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác, giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính. Vì vậy, báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ đưa tin mà không làm độc giả xa lánh. Do đó, theo ông Lê Quốc Minh, một hướng đi hiện rõ là báo chí xây dựng, báo chí giải pháp.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ ra thực tế, có hàng nghìn vấn đề, tin tức trong xã hội được phản ánh trên báo chí mỗi ngày. Hàng năm, khoảng 40 triệu tin, bài trên báo chí cả nước; mức lan tỏa thông tin từ báo chí lên mạng xã hội khoảng 400 triệu tin; tổng thời lượng phát thanh hàng năm khoảng gần 20 nghìn giờ; truyền hình khoảng 50 nghìn giờ.
Tin tức trên báo chí nhiều nhưng hay trùng lặp. Nhiều tin mang đến năng lượng tiêu cực như các vụ việc chém giết, khủng bố, tai nạn thương tâm, bắt bớ, vô luân thường đạo lý... khiến công chúng tìm đến thông tin giải trí trên mạng và rơi vào trạng thái mệt mỏi bởi chính tin tức mình lựa chọn.
Ông Phúc chỉ ra những thách thức đối với báo chí. Tình trạng suy giảm người đọc, xem, nghe, từ đó ảnh hưởng nguồn thu. Trong khi đó, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã lấy đi 2/3 “miếng bánh quảng cáo” ngay tại thị trường Việt Nam.
Không ít cơ quan báo ở nước ta đã định hình phong cách báo chí giải pháp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài viết mang tính phản biện với tư duy “bới móc”, “đánh đấm”, thiếu tính xây dựng, vô hình trung làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Thách thức hiện hữu hơn cả là chất lượng nguồn nhân lực báo chí.
Mô hình nào cho báo chí giải pháp?
Ông Lê Quốc Minh nêu “7 bí kíp” đối phó tình trạng né tránh tin tức: Nội dung đơn giản, ngắn gọn và hữu ích; viết những bài liên quan đến con người và có sức nặng; lắng nghe độc giả (và có hành động phù hợp); quan tâm cộng đồng và xây dựng tòa soạn đa dạng sắc tộc; tạo ra nhiều format thu hút tương tác hơn; suy nghĩ lại việc đưa tin chính trị (theo hướng xây dựng); tìm kiếm giải pháp và mang lại hy vọng. Các cơ quan báo chí, trong khi đưa tin, cũng đề xuất giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ hiệu quả của báo chí xây dựng. Cụ thể, ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; không bị coi là báo chí chất lượng thấp; thúc đẩy mọi người hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.
“Có thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin, họ lại cần đến cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý. Họ cần cơ quan báo chí chọn lọc cho họ. Đi xa rồi trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, cơ quan báo chí như ngọn hải đăng chỉ dẫn cho người dùng trong những vấn đề về công việc, cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trí ngọn hải đăng như thế, các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều trở ngại ở hiện tại và tương lai”, ông Minh nói.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo là nội dung được công chúng và cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, từ sự định hướng của cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh, phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, đưa ra giải pháp không phải chức năng chính của báo chí, nhưng xu hướng vận động của báo chí từ thực tiễn nhu cầu của độc giả đã hình thành một “phong cách” mới, gọi là báo chí giải pháp. Trong đó, báo chí tham gia vào đề xuất hoặc khuyến khích giải pháp với bài phân tích, bình luận hoặc điều tra sâu về vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị.
Ông Lưu Đình Phúc dẫn chứng, báo chí mang tính xây dựng có nguồn gốc từ Đan Mạch. Pháp cũng có mạng lưới “Báo chí hy vọng” gồm những người “quảng bá tin tức dựa trên giải pháp”. Nguyên tắc chung của giải pháp cho tất cả bài báo là không quá một phần ba bài báo được mô tả vấn đề, trong khi ít nhất hai phần ba dành cho giải pháp. Những ấn phẩm này có lượng độc giả tăng đều đặn, cùng đó là mạng lưới cộng tác viên, chuyên gia, nhà khoa học được mở rộng, kết nối trên toàn cầu.
Từ đó, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, để thúc đẩy sự thay đổi nhận thức rất cần tăng tính phản biện của báo chí. Phản biện được thể hiện thông qua phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các nhóm công chúng trong xã hội; phản biện chính sách, phản biện xã hội với tinh thần xây dựng. Báo chí phải trở thành diễn đàn để người dân tham gia mạnh mẽ vào những vấn đề xã hội, từ đó nhà lãnh đạo đưa ra quyết định phù hợp, sáng suốt về chính sách phát triển kinh tế, xã hội và con người.
Báo chí đưa ra giải pháp mới góp phần kiến tạo giá trị để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Cùng đó, báo chí phải hành động để vượt qua những rào cản khó khăn về nguồn thu và suy giảm độc giả. Đưa ra giải pháp, tìm lời giải cho những bài toán khó mà công chúng báo chí và xã hội đang phải đối mặt sẽ là chìa khóa để báo chí vượt qua rào cản khó khăn.