108 cây thông lá dẹt cực kỳ quý hiếm được công nhận cây di sản

Quần thể thông hai lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được công nhận gồm 108 cây, có tuổi đời từ 700-1.000 năm, chiều cao từ 35 - 40m là loài thực vật đặc hữu rất quý hiếm.

Ngày 20/5, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, quần thể 108 cây thông hai lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, thuộc địa phận xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng vừa được công nhận cây di sản.

Tại buổi lễ, PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận quần thể thông hai lá dẹt là cây di sản Việt Nam cho Ban Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và đại diện hộ dân bảo vệ rừng. Theo đó, quần thể thông hai lá dẹt được công nhận gồm 108 cây, có tuổi đời từ 700-1.000 năm, chiều cao từ 35 - 40m.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ công bố cây di sản cho 108 cây thông lá dẹt.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ công bố cây di sản cho 108 cây thông lá dẹt.

Thông hai lá dẹt có tên khoa học là Pinus krempfii, đây là loài thực vật đặc hữu, quý hiếm. Ở Việt Nam, thông hai lá dẹt được phát hiện ở một số nơi như: Vườn quốc gia như Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận), Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Riêng Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cơ quan chức năng ghi nhận thông hai lá dẹt phân bố thành 2 quần thể lớn ở khu vực rừng thuộc xã Lát và xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương).

Hiện nay, lực lượng chức năng đã đánh số các gốc thông hai lá dẹt, lập hồ sơ và đưa vào danh sách theo dõi. Ông Nguyễn Lương Minh cho biết, thông hai lá dẹt quý hiếm nhưng đây là loài khó di thực (đưa cây đến trồng nơi khác) nên cơ quan chức năng phải thực hiện công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước đó, ngày 2/4/2025, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã nộp hồ sơ đến Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét công nhận quần thể 108 cây thông hai lá dẹt phân bố tại tiểu khu 89, 90 thuộc xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, là cây di sản Việt Nam.

Thông hai lá dẹt là loài thực vật quý hiếm.

Thông hai lá dẹt là loài thực vật quý hiếm.

Ngay sau lễ đón nhận danh hiệu, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà phát động trồng cây, bổ sung quần thể thông hai lá dẹt và thông ba lá, năm lá. Cụ thể, có 30 cây thông hai lá dẹt, 500 cây thông năm lá và ba lá được các đại biểu, cán bộ, nhân viên và người dân địa phương trồng tại các khu vực dọc theo quốc lộ 27C và các khu vực cảnh quan trong Vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (thuộc địa phận huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) có tổng diện tích trên 70.000ha, tiếp giáp địa phận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Vườn có cảnh quan đẹp và là một trong những trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Thống kê của ngành chức năng, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có khoảng 2.077 loài thực vật, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan…

Đặc biệt, khu vực cổng trời, thuộc địa giới hành chính của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, có quần thể thông hai lá dẹt từ 500 đến 1.100 tuổi. Nơi đây có độ cao trung bình 1.400-1.500m so với mực nước biển.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/108-cay-thong-la-det-cuc-ky-quy-hiem-duoc-cong-nhan-cay-di-san-169250520102258678.htm
Zalo