Báo cáo về Đề án 'Xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ'
Sáng 13/12, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe báo cáo về Đề án 'Xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ'.
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.Thảo luận và cho ý kiến vào Đề án, các đại biểu thống nhất đánh giá việc phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ là phù hợp với quy hoạch quốc gia và tỉnh, được Thủ tướng phê duyệt và cụ thể hóa qua các văn bản của tỉnh. Đây là hướng đi đúng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn di sản quốc gia và nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của tỉnh song cũng rất khó khăn bởi đô thị di sản là hướng phát triển mới, chưa có quy định pháp luật cụ thể, trong khi lộ trình thực hiện là khá ngắn chỉ có 10 năm.Hiện nay, nhiều tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương, tỉnh vẫn chưa đáp ứng được và cần nguồn lực rất lớn để nâng cấp các tiêu chí. Ninh Bình có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên với nhiều di sản, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tràng An, Cúc Phương, Vân Long,... đây là động lực phát triển kinh tế nhưng lại làm giới hạn không gian phát triển.Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển đô thị Ninh Bình, Đề án đề xuất mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh Ninh Bình, trong đó phấn đấu đến năm 2035: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Các đại biểu cũng đã cho ý kiến vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ mà Đề án đề xuất, gồm: Áp dụng Kinh tế di sản vào phát triển đô thị trên nền tảng di sản thiên niên kỷ; Bảo tồn di sản; Phát triển văn hóa du lịch; Bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống của người dân và 5 nhóm nhiệm vụ triển khai phát triển đô thị Ninh Bình trở thành đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Đề xuất xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định chủ trương, mục tiêu phát triển đô thị trở thành đô thị trực thuộc Trung ương của tỉnh Ninh Bình; rà soát quy hoạch, chương trình phát triển đô thị; nghiên cứu, xây dựng mô hình đô thị di sản - đô thị trực thuộc Trung ương; nghiên cứu mô hình đơn vị hành chính đô thị trực thuộc Trung ương; nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh Ninh Bình đối với vùng và cấp Quốc gia; đầu tư hạ tầng đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn về phân loại đô thị.Cho ý kiến vào các phương án xây dựng mô hình đơn vị hành chính đô thị trực thuộc Trung ương, các đại biểu thống cao với phương án đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương với 7 đơn vị hành chính đô thị gồm: thành phố Hoa Lư (đô thị loại I); quận Tam Điệp; 3 thị xã là Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn và 2 huyện là Yên Mô, Yên Khánh. Đến năm 2050, đô thị trực thuộc Trung ương Ninh Bình tiếp tục tăng tỉ lệ đô thị hóa và đưa 2 huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh lên thị xã.Để thực hiện được các mục tiêu, lộ trình mà Đề án đề ra, các đại biểu đề nghị các địa phương rà soát lại quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả, khả thi. Xây dựng các danh mục hạ tầng, dự án trọng tâm để đạt các tiêu chí, trên cơ sở đó đưa vào kế hoạch đầu tư công, trong đó cần quan tâm 2 tiêu chí quan trọng là hạ tầng đô thị di sản và hạ tầng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, thu hút đầu tư...
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ vào năm 2035 đã rõ. Đề án này chính là những định hướng, bước đi cụ thể, chi tiết cần phải làm để đạt được các mục tiêu, khát vọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đề ra.Chính bởi vậy, Đề án phải xác định thật chính xác trình độ phát triển kết cấu hạ tầng đô thị nông thôn của tỉnh Ninh Bình cũng như các huyện, thành phố đang ở mức nào từ đó có luận cứ khoa học, thực tiễn, khả thi để chúng ta lựa chọn phương án mô hình đơn vị hành chính đô thị; đưa ra nhận định, quan điểm phát triển cho từng địa phương.Đồng chí đề nghị các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần quản trị mục tiêu, xác định rõ lộ trình, nguồn lực theo từng giai đoạn để đến năm 2030 cơ bản đạt được các tiêu chí, năm 2035 đạt tiêu chí của Đô thị trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, xác định nguồn lực để tập trung cho các dự án trọng điểm, trọng tâm, trong đó ưu tiên thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định một trong số các giải pháp quan trọng để tỉnh có những bước tiến nhanh và vững chắc là phải chú trọng đến yếu tố đổi mới, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch, số hóa..., đưa Ninh Bình tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.Đồng chí giao Sở Xây dựng phối hợp với Đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại hội nghị, sớm hoàn thiện Đề án, để UBND tỉnh báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.