Báo cáo khai quật khảo cổ tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự)

BHG - Sáng 12.5, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Bắc Mê tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ khai quật khảo cổ tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự), thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Đến dự có Thượng tọa Thích Nguyên Toàn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; các chuyên gia Viện Khảo cổ học.

Các đại biểu tham quan những hiện vật được khai quật tại chùa Ba Tự

Các đại biểu tham quan những hiện vật được khai quật tại chùa Ba Tự

Ngày 9.11.2023 Sở Nội vụ cùng các ngành chức năng tiến hành khảo sát chùa Ba Tự. Qua khảo sát đoàn sưu tầm 173 hiện vật, trong đó: Thời nhà Trần có 156 hiện vật gồm gạch, ngói, trang trí kiến trúc, mảnh tháp, gốm men, sành mịn, sành thô, trong đó; thời Lê Sơ có 8 hiện vật là gốm men trắng vẽ lam và men trắng; thời Lê Trung hưng có 3 hiện vật là gốm trắng; thời Nguyễn có 3 hiện vật gạch bìa. Trong quá trình khai quật di tích đoàn phát hiện 12.456 hiện vật có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn, gồm: 2 hiện vật gốm men thời Lý; 161 hiện vật thời Trần là vật liệu kiến trúc ngói, trang trí kiến trúc (tượng rồng, lá đề), mảnh tháp, đồ dùng sinh hoạt; 7.172 hiện vật thời Lê Sơ là đồ gốm men, ngói cong; 33 hiện vật thời Lê Trung hưng hoàn toàn là gốm men trắng; 6 hiện vật gốm men trắng vẽ lam thời Nguyễn cùng 17 hiện vật đồ kim loại là đinh, chuông, tiền và mảnh sành hình chữ nhật.

Di tích chùa Ba Tự nằm trên một quả đồi, phía Bắc, phía Đông, phía Tây thoãng đãng được bao bọc bởi dòng sông Gâm; phía Nam có núi cao che chắn, đây là vị trí đẹp, phù hợp với những công trình lớn, quan trọng. Theo tính toán sơ bộ diện tích phân bộ của kiến trúc khoảng 2.720m2, các công trình kiến trúc được quy hoạch thành 5 cấp nền có quy mô và cao độ khác nhau.

Cuộc khai quật nhằm tìm kiếm các dấu tích kiến trúc, từ đó xác định quy mô, phạm vi phân bố của các công trình kiến trúc, phạm vi phân bố của kiến trúc; tìm hiểu các loại hình, niên đại di vật từ đó xác định quá trình hình thành và phát triển của di tích; thu thập hiện vật phục vụ việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản tới quần chúng Nhân dân, du khách trong và ngoài nước; góp thêm tư liệu trong việc nghiên cứu giá trị di sản, giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Bắc Mê nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202505/bao-cao-khai-quat-khao-co-tai-khu-vuc-nen-chua-cu-chua-ba-tu-0ed5a6c/
Zalo