Bánh sắn - đậm đà hương vị quê hương
Bánh sắn từ lâu đã là món ăn nổi tiếng của người dân Đất Tổ. Mỗi vùng quê, mỗi gia đình đều có cách làm bánh sắn riêng. Tuy nhiên, để bánh ngon, đậm đà hương vị truyền thống và được nhiều người yêu thích thì không phải ai cũng làm được. Chị Trần Thị Việt Hà - chủ thương hiệu bánh sắn Thu Hà, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa chính là một trong những người đã tạo được hương vị riêng cho bánh sắn của mình khiến những ai đã từng thưởng thức đều nhớ mãi.
Bánh sắn có từ lâu đời, với những thế hệ trước, đây là loại bánh chống đói của người nghèo bởi được làm từ nguyên liệu rất rẻ tiền là sắn. Bánh sắn ngày ấy không có nhân, người dân lấy đũa chọc một lỗ thủng ở giữa, cho bánh nhanh chín đều nên được gọi vui là bánh sắn “nhân đũa”. Ngày nay, bánh sắn nhân đũa đã được thay bằng bánh có nhân gồm nhân đậu xanh (bánh ngọt) và nhân thịt (bánh mặn).

Chị Trần Thị Việt Hà - giới thiệu về bánh sắn
Đối với người dân Phú Thọ, hầu như ai cũng biết làm bánh sắn, nhưng để làm bánh sắn ngon, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường lại là một câu chuyện khác. Theo chị Trần Thị Việt Hà, để tạo nên thương hiệu bánh sắn Thu Hà xuất phát từ một sự việc khá tình cờ. Đó là vào năm 2023, trong lần đi dự hội nhóm Canh Tuất Việt Nam, chị muốn giới thiệu một món ăn đặc trưng của miền Đất Tổ với bạn bè cùng tuổi trên khắp cả nước. Sau khi suy nghĩ, lựa chọn, chị quyết định sẽ tự làm bánh sắn theo truyền thống của quê hương, gia đình.
Cụ thể, sắn để làm bánh chị chọn loại ít nước, nhiều bột. Để làm được điều này cần có kinh nghiệm sau nhiều lần kiểm nghiệm thực tế và căn cứ vào đặc điểm của giống sắn, vùng trồng. Sắn sau khi khai thác về được gọt vỏ, ngâm với nước, rửa sạch. Sau đó, sắn được băm thành từng miếng nhỏ rồi lại tiếp tục ngâm với nước để hết mùi hăng nồng.
Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà có thể ngâm sắn từ 5-10 ngày, thay nước hàng ngày, đến khi không có mùi hăng thì mới vớt ra phơi khô. Điều này giúp bánh khi chín không có mùi hăng hay ăn có cảm giác bị nóng cổ. Sắn sau khi được phơi khô sẽ cho vào nghiền thành bột để bảo quản. Khi nhào bột phải nhào bằng nước sôi, nhào đến khi bột dẻo thì mới nặn.
Cùng bột bánh, chất lượng nhân chính là yếu tố quan trọng để tạo nên vị thơm ngon của bánh. Có người làm bánh nhân đỗ, dừa nhưng chị Hà chỉ làm một loại nhân duy nhất bánh sắn nhân mặn gồm có đỗ xanh, thịt, hành tăm, mộc nhĩ. Trong đó, thịt chủ yếu là nạc vai, đầu giòn yêu cầu phải vừa mổ xon thì thịt mới tươi, ngon, khi xôi bánh lên nhân quện vào nhau, không tơi bở.


Sản phẩm bánh sắn mặn Thu Hà được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024
Chị Hà cho biết: Thông thường, các loại bánh sắn trên thị trường thường làm bánh kích cỡ nhỏ, khoảng 0,5gam/1 bánh nhưng cơ sở sản xuất bánh Thu Hà chỉ sản xuất loại bánh to, trọng lượng khoảng 0,8gam/bánh, tạo thành đặc trưng dễ nhận biết so với các loại bánh thông thường thị trường. Một chiếc bánh có giá khoảng 8 nghìn đồng.
Bánh sắn khi nặn cho cấp đông, đến khi đảm bảo độ cứng thì mới cho vào hút chân không để bảo quản lâu dài. Bánh nếu được bảo quản đúng cách thì có thể để được 6 tháng mà chất lượng không đổi. Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Thu Hà sản xuất khoảng 3.000 chiếc bánh sắn. Cao điểm dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Tuần Văn hóa, Du lịch Đất Tổ làm 10.000 cái/ngày, thuê 10 nhân công làm việc thường xuyên.

Giới thiệu bánh sắn mặn Thu Hà trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Tuần Văn hóa, Du lịch Đất Tổ.
Với những chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định, sản phẩm Bánh sắn mặn Thu Hà đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024, thị trường tiêu thụ đã phát triển rộng khắp trong và ngoài tỉnh, có mặt ở nhiều nhà hàng lớn, được đông đảo khách hàng đánh giá cao. Khi ăn, bánh bắn có vị dẻo bùi của bột sắn hòa lẫn vị béo ngậy của thịt cùng vị thơm của hành, đỗ xanh. Khi ăn chấm với muối vừng sẽ cho miếng bánh tròn vị và hấp dẫn hơn. Và với những hương vị đặc trưng ấy đã giúp cho chiếc bánh sắn trở thành món quà quê ý nghĩa vùng Đất Tổ để chào mời những vị khách phương xa.