Bánh lá răng bừa - Dẻo thơm hương vị, ấm nồng tình quê
Ẩm thực xứ Thanh phong phú, đa dạng với nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn, đầy đủ đặc trưng các vùng trung du - miền núi, biển, đồng bằng. Trong đó, bánh lá răng bừa vốn là thức quà bình dị nhưng lại gây thương nhớ trong lòng thực khách bởi hương vị đặc trưng và câu chuyện lịch sử, văn hóa phía sau đó.

Bánh lá răng bừa được làm từ những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi. Ảnh: H.T
Bánh lá răng bừa là món ăn quen thuộc với người xứ Thanh. Nhiều địa phương ở xứ Thanh làm món bánh này nhưng nổi tiếng hơn cả là vùng đất Xuân Lập (Thọ Xuân). Tại đây, bánh lá răng bừa không đơn thuần là món ăn góp mặt trong bữa cơm gia đình vào mỗi dịp lễ, tết mà còn là sản vật “tiến vua”, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành và lễ “cày tịch điền”. Xuân Lập cũng là quê hương của vị vua sáng lập ra vương triều Tiền Lê này.
Lễ cày tịch điền do vua Lê Đại Hành khởi xướng được ghi chép nhiều trong chính sử. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên chép: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (niên hiệu Thiên Phúc) năm 987. Mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng ở núi Đọi được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng kim ngân”. Kể từ đó, lễ này được lưu truyền trong dân gian, được thực hiện vào mỗi dịp đầu xuân năm mới với ý nghĩa khuyến khích sản xuất nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Để tỏ lòng biết ơn vua, người dân trong làng đã sử dụng những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi như: gạo tẻ, thịt lợn, hành khô, nước mắm, hạt tiêu... để làm nên món bánh mang hương vị đặc trưng dâng lên vua.
Tuy nguyên liệu đơn giản nhưng cách làm bánh lá răng bừa khá cầu kỳ, nhiều công đoạn, đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm, khéo léo, tỉ mỉ. Gạo tẻ sau khi vo, đãi sẽ được ngâm với nước trong vòng 4 - 5 tiếng rồi đem xay nhuyễn. Mang bột đã xay đổ vào nồi, bắc lên bếp lửa và cứ thế dùng đũa cả đánh cho thật đều tay, đến khi bột sánh lại là đạt chuẩn. Bột đánh càng đều tay thì càng dẻo, khi hấp bánh càng ngon. Bột ráo xong sẽ tiếp tục đến công đoạn gói bánh. Bánh được gói trong những chiếc lá chuối, lá dong đã rửa sạch, hong khô và đem đi hấp chín. Khi thưởng thức, bánh thường được ăn kèm với nước mắm, càng khiến cho hương vị thêm nồng đượm, thăng hoa.
Cách làm bánh lá răng bừa ở Xuân Lập vừa có nét giống vừa có những điểm khác biệt tạo nên hương vị riêng. Nếu nhân bánh ở nhiều nơi khác thường cho thêm mộc nhĩ thì bánh lá răng bừa do người dân Xuân Lập làm lại chỉ sử dụng thịt lợn băm, hành khô băm xào với nước mắm và rắc thêm chút hạt tiêu, không có mộc nhĩ.
Ẩm thực là cảm nhận riêng của mỗi người. Hợp khẩu vị là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, chính những khác biệt như thế đã làm nên hương vị không lẫn vào đâu của bánh lá răng bừa Xuân Lập giữa thị trường bánh lá răng bừa đông đúc, cạnh tranh như hiện nay.

Những chiếc bánh răng bừa chuẩn bị mang đi hấp. Ảnh: H.T
Từ “vùng đất hai vua” Thọ Xuân về với Hà Trung lắng đọng bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống. Trong bức tranh ẩm thực thú vị của mảnh đất Hà Trung, bánh lá răng bừa xã Hà Lai được nhiều người ưa chuộng. Hà Lai là vùng đồng bằng chiêm trũng nằm ở phía Đông Nam huyện Hà Trung, bao đời chủ yếu lấy nông nghiệp làm chính. Cũng chính hạt gạo của đồng đất quê hương cùng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, chịu thương chịu khó của các thế hệ người dân nơi đây đã góp phần thành món bánh răng bừa thơm ngon, hấp dẫn, là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện.
Bánh lá răng bừa Hà Lai cũng được làm từ nguyên liệu, cách thức tương tự như bánh lá răng bừa ở Xuân Lập, Thọ Xuân. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng, tươi sạch; cách làm không quá cầu kỳ, cốt sao ở sự khéo léo, chịu khó. Vỏ bánh làm từ gạo tẻ xay thành bột; nhân bánh làm từ thịt lợn băm nhỏ, béo ngậy mà không ngán. Từ các nguyên liệu đơn giản ấy, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Lai, những chiếc bánh lá nhỏ nhắn, gói gọn trong lá dong, sau khi hấp chín thì mềm thơm, hòa vị cùng chút nước mắm tạo nên sản vật độc đáo, hấp dẫn.
Những chiếc bánh răng bừa, từ chỗ chỉ được làm để phục vụ nhu cầu của gia đình, như một món ăn thông thường hoặc đem bán ở chợ quê như thức quà sáng đến nay đã là mặt hàng phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình ở Xuân Lập (Thọ Xuân), Hà Lai (Hà Trung), Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa... Chị Trần Thị Bình bộc bạch: “Mình vốn quê gốc ở Thanh Hóa nhưng theo bố mẹ vào Nam sinh sống đã lâu, rất hiếm khi có dịp về thăm quê. Nhưng hễ có dịp về Thanh Hóa là kiểu gì cũng phải la cà hàng quán ăn bánh cuốn, cháo lươn, tìm mua bánh răng bừa. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì nhưng có những món ăn bình dân đã trở thành thương hiệu, nghĩ đến quê là thấy nhớ, thấy thèm”.