Bánh giầy - tinh hoa văn hóa ẩm thực của đồng bào Mông
Lên vùng cao Tây Bắc vào những ngày này, du khách không chỉ được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì..., mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng, thể hiện nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc, trong đó có món bánh giầy - đặc sản của người Mông.
“Linh hồn” của đồng bào Mông
Trong đời sống của đồng bào Mông, bánh giầy là món ăn không thể thiếu vào các dịp lễ, Tết cũng như trong các lễ hội, sự kiện quan trọng. Vào những ngày này, ở khắp các bản làng của người Mông lại rộn rã những tiếng chày, tiếng cối giã bánh giầy, âm vang khắp núi rừng Tây Bắc. Theo tiếng đồng bào dân tộc Mông, bánh giầy có tên gọi là “pả-dúa” (có nơi còn gọi là “pé-plẩu”) tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Mông ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc, bánh giầy không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh.
Anh Mùa A Thắng, trú tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, bánh giầy không chỉ là món ăn truyền thống, mà còn là biểu tượng trong văn hóa cộng đồng của người Mông. Sâu xa hơn, trong mỗi chiếc bánh còn chứa đựng những giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc, gắn liền với lòng biết ơn tổ tiên, mong muốn gắn kết giữa con người với thiên nhiên, với trời đất. Nếu chiếc bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Kinh, thì bánh giầy được xem là tinh hoa ẩm thực trong các ngày lễ quan trọng của người Mông vùng Tây Bắc. Đây cũng chính là những tâm tư, ý nguyện của con cháu trong năm mới được gửi trao trọn vẹn trong chiếc bánh giầy tròn trịa và được dâng cúng lên tổ tiên.
Ngày nay, bánh giầy còn là món đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Đặc biệt, những năm gần đây, để bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách trong nước và quốc tế, bà con dân tộc Mông ở vùng cao Tây Bắc còn tổ chức Hội thi giã bánh giầy giữa các gia đình, các dòng họ hoặc các bản với nhau.
Bánh giầy thường xuất hiện trong các dịp lễ hội như Tết, cưới hỏi, hoặc các sự kiện cộng đồng quan trọng của người Mông. Dù ngày Tết, ngày lễ quan trọng có nhiều sản vật thơm ngon, song đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc vẫn gìn giữ tục lệ giã bánh giầy nhằm tôn vinh sự đồng lòng, hòa thuận cho một cuộc sống sum vầy và no đủ. Điểm khác biệt của chiếc bánh giầy dâng cúng phải là bánh giầy không có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Khi cúng tổ tiên, nhất định gia chủ phải dâng 2 bánh, bởi theo quan niệm xưa của người Mông, bánh giầy tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn cội, gốc rễ sinh ra con người và vạn vật trên trái đất này. Chiếc bánh giầy còn là hình ảnh mang tính tượng trưng cho tình yêu đôi lứa sắt son, chung thủy, bền chặt của những chàng trai, cô gái người Mông. Chính vì vậy, cứ đến ngày 30 Tết hàng năm, bà con các bản làng của người Mông lại nô nức tổ chức ngày hội giã bánh giầy.
Kỳ công làm chiếc bánh giầy
Để có món bánh giầy mềm, dẻo và ngon như ý, cần có 3 yếu tố chính đó là: Nguyên vật liệu, sức khỏe và đôi bàn tay khéo léo. Muốn làm được món bánh này, điều trước tiên là chuẩn bị sẵn cối giã bánh. Cối giã bánh giầy của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột, còn chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng. Trên bề mặt cối và chày được xoa một lớp dầu lạc để chống dính.
Một yếu tố không thể thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp cho phù hợp. Gạo nếp làm bánh được người dân lựa chọn phải là gạo nếp nương mới, không bị pha tạp, hạt to đều, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh thì chất lượng bánh mới đảm bảo. Gạo nếp vo sạch và ngâm trong nước ấm trong nhiều giờ đồng hồ. Sau đó vớt ra, để ráo nước rồi mới cho lên chõ đồ trong khoảng 1 đến 2 giờ để xôi chín mềm, dẻo nhưng không được nát. Chõ để đồ xôi cũng được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, hạt xôi dẻo mà không bị nát. Sau khi đồ chín, xôi vẫn đang nóng hổi phải mang giã ngay thì bánh mới đảm bảo độ nhuyễn, dẻo, quánh, lúc nặn sẽ mềm. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi, cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch.
Bà Sùng Thị Xía, năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết, quá trình làm bánh thể hiện sự gắn kết phối hợp của nhiều người trong từng công đoạn, diễn ra trong bầu không khí sôi động, vui vẻ. Người dân trong bản tập trung lại, mỗi người đều có một vai trò nhất định trong quá trình làm bánh: người giã, người đảo bánh, người nặn bánh. Công đoạn giã bánh nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật giã. Khi giã xôi cần giã nhanh, dứt khoát, xôi sẽ mềm nhuyễn mà không bị dính. Ban đầu cần giã nhẹ cho xôi quyện và dính, sau đó mới dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn là có thể đem làm bánh được. Vậy nên, những người thực hiện việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông khỏe mạnh, dẻo dai. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, khi mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh giầy làm ra càng dẻo, ngon và để được lâu.
Giã bánh xong, công đoạn tiếp theo càng thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Mông. Họ dùng tay đã được xoa đều lòng đỏ trứng gà hoặc mỡ chống dính và bắt đầu nặn khối bột vừa giã thành những chiếc bánh vừa vặn, tròn trịa. Bánh sau khi nặn được gói vào lá chuối tươi đã rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa để lá có độ mềm và dậy mùi thơm. Bánh giầy của người Mông không có nhân cũng không dùng bất kỳ một loại gia vị nào nên bánh giữ nguyên vị ngọt tự nhiên, thơm dẻo của gạo nếp nương. Bánh có thể dùng luôn lúc nóng, cũng có thể để được trong vòng 1 tháng. Khi ăn, người ta thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng, trông thật thơm tho và hấp dẫn.