Bằng Kiều 'lấy nước mắt' với ca khúc hơn 100 năm tại Anh trai vượt ngàn chông gai 2024
Công diễn 4 tập 10 của Anh trai vượt ngàn chông gai 2024, Bằng Kiều gây xúc động mạnh khi hát 'Dạ cổ hoài lang' với NSND Hữu Quốc. Binz gây bất ngờ hát chèo trong 'Đào liễu' với NSND Thu Huyền.
Kay Trần thổn thức khoảnh khắc cuối bên mẹ
Trong đó, 4 tiết mục nhóm được 28 anh tài thể hiện mang đậm màu sắc nghệ thuật dân gian của dân tộc Việt Nam, bao gồm Chiếc khăn piêu (nhạc: Phát triển dân ca Xá, lời: Doãn Nho); Đào liễu (thể loại: chèo cổ); Dạ cổ hoài lang (st: Cao Văn Lầu); Mưa trên phố Huế (sáng tác: Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương).
Được biết, trong 4 tiết mục nhóm của Công diễn 4, các ca khúc được chương trình lựa chọn và loại hình nghệ thuật kết hợp như: Nhã nhạc cung đình Huế, chèo, đờn ca tài tử,... được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại (được UNESCO công nhận).
Bên cạnh kết hợp loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam và đương đại, trang phục trình diễn trong các tiết mục Công diễn 4 được thiết kế đơn thuần là trang phục trình diễn trên sân khấu, mang cảm hứng từ trang phục truyền thống, không nhằm phục dựng hoàn toàn cổ phục Việt Nam.
Ở tiết mục song ca, đầu tiên, 2 “anh chàng độc thân” Quốc Thiên và Rhymastic của Nhà trẻ đã cho khán giả thưởng thức không gian cảm xúc mới của Đêm cô đơn (sáng tác: Trung Kiên) vui tươi và “tưng bừng” hơn so với bản gốc có nhịp điệu chậm rãi, mang nhiều nỗi buồn thường thấy. “Mọi người sẽ nghĩ bài Đêm cô đơn lần này sẽ buồn.
Phạm Khánh Hưng và Đỗ Hoàng Hiệp ở Nhà Mứt gừng đã khiến khán giả khó quên khi mang đến tiết mục Gọi anh (sáng tác: Dương Thụ) da diết, tràn ngập cảm xúc từ hai chất giọng có “thái cực” khác nhau. Đây cũng là cột mốc đầu tiên cả hai hát song ca cùng nhau kể từ khi bắt đầu sự nghiệp.
Tiết mục Chuyện nhà bé thôi, con đừng về (sáng tác: Kai Đinh) của Kay Trần, Bùi Công Nam ở Nhà Chín muồi đã lấy đi ít nhiều nước mắt của khán giả và các anh tài khi đã khơi lên giá trị, tình cảm to lớn của gia đình trong cách kể chuyện xúc động.
Tiết mục kết thúc, host Anh Tuấn tiến gần đến Kay Trần, Bùi Công Nam chia sẻ: “Tôi đứng phía dưới, hòa vào trong dòng chảy của cảm xúc. Tự nhiên tôi cảm thấy nhớ nhà vô cùng”. Sau lời tâm sự của host Anh Tuấn, cả sân khấu Công diễn 4 chìm trong khoảng lặng.
Đứng bên cạnh, Kay Trần chia sẻ cảm xúc bản thân hiện tại đang rất thổn thức, dường như đã “chạm đến đáy” và không thể khóc được khi chính tiết mục này khiến anh nhớ lại quá khứ khó khăn - thời khắc cạnh mẹ lúc “thập tử nhất sinh”.
“Cách đây 3 năm, trong túi em còn đúng 5 triệu. Em phải chở mẹ em ngoài đường bằng xe máy. Phải đi xin các bác sĩ cứu mẹ em”, Kay Trần xúc động kể lại với host Anh Tuấn và khán giả.
“Em cũng rất biết ơn những người anh đã giới thiệu cho em những vị y, bác sĩ đã cứu mẹ em, cho bà được sức khỏe như ngày hôm nay. Nên em thấy điều hạnh phúc lớn nhất - đến cuối đời là hạnh phúc của gia đình, là những người còn hiện hữu bên cạnh mình.
Hy vọng mọi người trân quý yêu thương gia đình khi còn có thể, gia đình là điểm tựa lớn nhất cho tất cả mọi người”, anh nói tiếp.
Là tiết mục song ca cuối cùng, 12H03 (st: APJ) của Cường Seven và (S)TRONG Trọng Hiếu ở Nhà Cá lớn đã khuấy động không khí bằng giai điệu sôi động cùng vũ đạo lôi cuốn của hai anh tài này.
Chia sẻ với khán giả, Cường Seven đây là tiết mục ý nghĩa với bản thân anh khi được kết hợp cùng (S)TRONG Trọng Hiếu, người mà anh rất ngưỡng mộ và đồng điệu trong sự nghiệp của mình bởi khả năng từ ca hát đến vũ đạo của đồng đội.
Bằng Kiều gây xúc động, Binz bất ngờ hát chèo
Nhà trẻ gây ấn tượng với tiết mục “Đào liễu” từ việc các nghệ sĩ nam hát chèo đến ý tưởng dàn dựng trên sân khấu. Tiết mục này còn có sự góp mặt của nghệ sĩ khách mời là NSND Thu Huyền.
Cá nhân gây bất ngờ trong tiết mục này, có thể nhắc đến Binz, khi đây là lần đầu nam rapper hát chèo nhưng đã thể hiện rất tốt từng giai điệu, ý tứ của một bản nhạc truyền thống.
Trước đó, anh cũng khiến các thành viên Nhà trẻ và NSND Thu Huyền ngỡ ngàng khi ngân nga “demo” một đoạn ngắn trong nhạc khúc "Đào liễu" lúc tập luyện.
Chị cho biết: "Bất ngờ khi các bạn hát hay quá. Hát chèo mà có thể hát trên nền nhạc sôi động như thế. Rất xúc động”.
Tiếp lời, nữ nghệ sĩ sau đó cũng dành những lời đầy trân trọng cho chương trình: “Xin cám ơn các bạn, xin cám ơn chương trình có dịp chia sẻ nghệ thuật chèo, chia sẻ niềm đam mê của các nghệ sĩ chèo đến tất cả quý vị khán giả”.
Tái hiện lại thời đại ra đời của “Dạ cổ hoài lang” (sáng tác: Cao Văn Lầu) cách đây hơn 100 năm ở vùng đất Nam bộ, Nhà Mứt gừng đã mang đến tiết mục xúc động khi cố gắng lột tả được nỗi đau của chia lìa, mất mát của vợ - chồng, người thân trong gia đình vì cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tiết mục có sự kết hợp với nghệ sĩ khách mời là NSND Hữu Quốc.
Đứng trước một bản nhạc khởi nguồn cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật ở Nam bộ, các thành viên Nhà Mứt gừng khó tránh khỏi áp lực vì độ phổ biến và yêu cầu khắt khe hơn của người nghe.
Phan Đinh Tùng cho biết: “Bài nhóm đau đầu nhất, nan giải nhất. Nó rất là khó để có thể hát âm hưởng dân ca, từng cách luyến, rung, ngân, khó vô cùng luôn”.
“Khi bạn hát nhạc trẻ. Mỗi người một cách. Nhưng khi hát nhạc dân gian - những tác phẩm đã đi cùng với đất nước hàng trăm năm thì những cái sai nào cũng khiến người ta khó chịu.
Từng chữ, từng nốt đâu phải nghe rồi là hát được đâu, phải ngấm nó vô người”, Trương Thế Vinh cho hay.
Mặc dù đây là thử thách không dễ khi kết hợp nghệ thuật cải lương vào tiết mục nhưng Nhà Mứt Gừng đã gây bất ngờ khi Bằng Kiều hát vọng cổ tốt và tương đối tròn trịa, những đoạn luyến láy được nam ca sĩ gốc Hà Nội thể hiện cũng mang chất Nam bộ. Sự cố gắng này đã nhận sự tán dương của khán giả và các anh tài.
Đứng trên sân khấu, Bằng Kiều chia sẻ với NSND Hữu Quốc - người hướng dẫn anh hát vọng cổ và khán giả: “Kiều rất hạnh phúc khi nhận được ca khúc này. Đúng với những gì mà mình mong ước là được hát dân ca Nam bộ, là hát cải lương”.
Mong muốn giữ lại bản nhạc thuần túy nhất có thể và không muốn làm mới quá nhiều, Bằng Kiều cho biết đây là nhằm mục đích để giới trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp bản gốc, cũng chính điều này đã khiến cho nam ca sĩ tiếp tục phải thốt lên rằng: “Thực sự khi hát rất là xúc động và Kiều rất hạnh phúc vì điều đó”.
Trên sân khấu, NSND Hữu Quốc chia sẻ cảm xúc: “Bài Dạ cổ hoài lang là tiền thân của bài vọng cổ. Nó thuộc về lĩnh vực sân khấu của người dân Nam bộ hơn 100 năm nay. Nó chính là giá trị tinh thần, cốt lõi của người dân Nam bộ.
Mà Hữu Quốc là một trong thế hệ tiếp nối các tiền bối đi trước. Hữu Quốc rất hạnh phúc trong một chương trình đã và đang được khán giả yêu mến lại xuất hiện bài Dạ cổ hoài lang.
Nó không chỉ là niềm hạnh phúc riêng cho Hữu Quốc, mà còn là niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người đang theo đuổi đờn ca tài tử Nam bộ, cũng là sân khấu cải lương của tất cả những người đang yêu thương và giữ gìn nó”.
"Mưa trên phố Huế" đặc sắc ấn tượng, "Chiếc khăn piêu" hào hùng tình quân dân
Mở đầu với tiết mục Mưa trên phố Huế (sáng tác: Minh Kỳ, Tôn Nữ Thụy Khương), Nhà Chín muồi nỗ lực mang đến không gian đậm chất Huế như kết hợp nghệ thuật múa chén, Nhã nhạc cung đình Huế, hình ảnh nón lá, tà áo dài thướt tha... và những ngôn ngữ âm nhạc hiện đại từ giai điệu, đến các đoạn rap đã được khán giả và các anh tài tán thưởng và ghi nhận.
Tiết mục vinh dự có sự kết hợp nghệ sĩ khách mời là NSƯT Anh Tấn, nghệ sĩ Hồ Nga và nhóm Mặt trời đỏ.
"Mưa trên phố Huế" trở thành thử thách với nhóm anh tài ở độ tuổi 9x, khi mà trong thời gian ngắn, các nam nghệ sĩ trẻ này phải luyện hát sao cho "rặt giọng Huế".
Thừa nhận điểm này cần được hoàn thiện và các đồng đội đã cố gắng hết sức khi nhận được "đề bài khó", Kay Trần chia sẻ sau khi tiết mục kết thúc: "Điều khó khăn nhất của tụi em chính là tụi em toàn là dân miền Tây không à. Nên rất khó khăn trong việc tập hát sao cho ra giọng Huế. Nếu có sai sót mong khán giả bỏ qua".
Chứng minh cho sự cố gắng của mình để làm tốt hết sức có thể trong mọi mặt của tiết mục, Tăng Phúc, Bùi Công Nam, Neko Lê sau đó ngồi trên sân khấu biểu diễn lại đoạn đánh đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà rất trơn tru, cùng tiếng đệm múa chén của các anh tài còn lại, mà trước đó tất cả đã khổ luyện trong thời gian ngắn.
Ghi nhận sự nỗ lực Nhà Chín muồi - các nam nghệ sĩ 9x, cũng như nhìn thấy được tình yêu, tinh thần mong muốn phát triển giá trị âm nhạc truyền thống của nước nhà, nghệ sĩ Hồ Nga tâm sự: "Mình rất xúc động khi thấy các bạn trẻ - là thế hệ mới mà hướng về nghệ thuật dân gian.
Đó là điều vô cùng hạnh phúc. Mình không thể nói điều gì hơn là các bạn đã cố gắng hết sức mình và làm rất tốt. Mình rất xúc động vì điều đó".
Tiết mục "Chiếc khăn piêu" (nhạc: Phát triển dân ca Xá, lời: Doãn Nho) mang đậm chất dân ca vùng núi Tây Bắc khi các thành viên Nhà Cá Lớn kết hợp nhạc cụ là khèn, đàn môi, sáo mèo cùng hình ảnh chiếc khăn piêu, cô gái Thái, chiến sĩ biên phòng,... Tiết mục còn có sự góp mặt của khách mời là nghệ sĩ sáo mèo Đinh Nhật Minh.
Qua tiết mục, Nhà Cá lớn mong muốn tri ân đến các anh hùng dân tộc đã ngã xuống vùng biên giới, ca ngợi tình cảm hậu phương đẹp đẽ của quân-dân và cả những chiến sĩ Biên phòng đang canh gác vùng biên giới hiện nay.
Giải thích về hình ảnh chiếc khăn piêu được đưa vào tiết mục của Nhà Cá lớn, Tự Long chia sẻ: “Hình ảnh chiếc khăn piêu là của đồng bào dân tộc vùng cao. Mà dân tộc vùng cao thì luôn ở cạnh các chiến sĩ biên phòng.
Ở nơi địa đầu Tổ quốc, họ có chắc tay súng hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tinh thần. Mình sẽ nhân cách hóa lên, đó không chỉ là tình quân dân, có cả sự kết hợp việc gieo nhân vào đất tốt và sẽ có quả. Đối diện với bóng đêm, với kẻ thù mà không hề nao núng”.
Trình diễn đàn môi trong tiết mục, NSND Tự Long đây là tiết mục khó khăn cho các đồng đội khi phải làm thỏa mãn khán giả ở hai yêu cầu là dung hòa được giá trị truyền thống và sự hiện đại.
“Chúng tôi muốn gửi gắm đến tất cả với các bạn trẻ rằng, chúng ta có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, đã có biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã ngã xuống.
Đặc biệt trong thời bình, những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác cho từng tấc đất thiêng liêng tổ quốc và họ làm được điều đó vì đằng sau có gia đình, có những chiếc khăn piêu, có sự hỗ trợ của hậu phương, đó chính là điểm tựa vững chắc nhất của người lính”, NSND Tự Long nói lên thông điệp mà Nhà Cá Lớn muốn gửi gắm trực tiếp đến giới trẻ hiện nay.
Trần Duy Nhất vui vẻ ra về, Neko bật khóc
Kết thúc 8 màn trình diễn ấn tượng trong tập này, Nhà trẻ đã giành chiến thắng và 4 anh tài phải nói lời chia tay chương trình gồm Đăng Khôi (Nhà Cá lớn), Neko Lê (Nhà Chín muồi) Phạm Khánh Hưng và Nguyễn Trần Duy Nhất (Nhà Mứt gừng).
Mặc dù rời khỏi chương trình nhưng Nguyễn Trần Duy Nhất cho biết anh rất vui vẻ, mãn nguyện vì có quá nhiều trải nghiệm trong chương trình, nên không cảm thấy buồn bã. “Đến với chương trình, Nhất muốn mang đến tinh thần tích cực.
Nên khi Nhất ra về, lúc nào cũng nở một nụ cười để cho các anh yên tâm. Lúc khi vào chương trình, Nhất có ghi chú lại là xin hứa được khóc một lần. Mình đã vượt chỉ tiêu đó luôn rồi”.
Nguyễn Trần Duy Nhất cũng cho biết, anh cảm thấy đáng tiếc nhất là việc đàn anh Phạm Khánh Hưng phải ra về cùng mình.
Phạm Khánh Hưng tâm sự với chương trình việc đến Công diễn 4 là chặng đường xa ngoại dự tính của anh, vì anh cho rằng các anh tài khác, nam nghệ sĩ trẻ khác quá giỏi so với mình.
Bên cạnh đó, giọng ca Vì sao thế còn tâm sự, việc bản thân chấp nhận đến với chương trình cũng là sự can đảm của bản thân, vì anh tin lựa chọn này hứa hẹn sẽ có kết quả tốt đẹp về sau.
“Chấp nhận thay đổi, đi con đường mới. Mình tin con đường đó có ánh sáng tốt đẹp hơn”, anh tâm sự.
Là anh tài ra về ở Nhà Cá lớn, Đăng Khôi chia sẻ rằng bản thân của đã hoàn thành tâm niệm cá nhân khi đến chương trình, đó là mang lại niềm vui cho mẹ, cho gia đình nhỏ của mình và tự hào khi được đồng hành cùng các đàn anh, những người em mà anh rất trân trọng, tự hào.
“Mình cũng thực hiện được ước nguyện của mình, được thăng hoa trên sân khấu cùng 32 anh em. Có những tiết mục mà mình rất tự hào, ở đó mình cũng đã có những dấu ấn”, anh tâm sự.
Neko Lê thuộc Nhà Chín muồi chia tay chương trình. Anh tâm sự với các đồng đội rằng bản thân đã rất mãn nguyện vì đã được đồng hành với các anh lâu hơn ngoài mong đợi của bản thân.
“Hôm qua anh có tâm sự với anh Tự Long rằng, đã quen với cái nhịp này rồi. Nhưng kể từ ngày mai mình phải setup lại mọi thứ”, Neko chia sẻ với đồng đội.
“Neko rất tự hào về bản thân mình. Neko không biết hát, không biết nhảy. Chưa bao giờ đứng trên sân khấu. Đi đến đây đã là quá nhiều rồi. Nếu đây là một giấc mơ, thì đến đây không còn gì để mơ nữa.
Anh trai vượt ngàn chông gai đã cho mình một ngọn lửa, đã làm nóng nhiệt huyết của mình với âm nhạc. Cảm ơn chương trình đã cho mình xuất hiện trong chương trình. Mình có một món lời lớn nhất, đó chính là 33 anh em”, vị đạo diễn trẻ chia sẻ với chương trình.
Tập 10 chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 đã phát sóng vào lúc 20 trên VTV3, 20h30 trên hệ thống kênh YouTube YeaH1 hôm nay (7/9) tiếp tục màn trình diễn của 28 anh tài trong Công diễn 4 của 4 nhà lớn gồm: 4 tiết mục song ca và 4 tiết mục nhóm.