Bàng hoàng khi đường dây 600 loại sữa giả bị phanh phui
Đường dây sản xuất đến gần 600 loại sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá. Loạt nhãn sữa quen thuộc được phanh phui là hàng giả đã gieo rắc nỗi bất an trong lòng người tiêu dùng.
Chị Trần Hồng (53 tuổi, TP.HCM) bàng hoàng lao xuống bếp, tay run run kiểm tra từng hộp sữa mà mẹ chị vẫn uống mỗi ngày. Với thu nhập chỉ ở mức khá, chị luôn cố gắng vun vén để mua cho người mẹ 75 tuổi hộp sữa "tử tế" mỗi tháng, hy vọng giúp bà khỏe mạnh hơn.
Thế nhưng, thông tin về đường dây 573 thương hiệu sữa bột giả vừa bị phanh phui khiến người phụ nữ không tin vào tai mình.
"Sao lại nhắm đến trẻ em, thai phụ, người già?"
Mẹ chị Hồng cùng lúc mang trong người ba căn bệnh: tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu, phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày. Thương mẹ tuổi cao sức yếu, chị luôn cố gắng tìm mua thêm sữa dinh dưỡng để bồi bổ. Mỗi tháng, chị chi gần 300.000 đồng mua một hộp sữa tiểu đường cho mẹ dùng.
Khi đọc tin Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả, người phụ nữ như ngồi trên đống lửa. Hai công ty bị điều tra - Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group - đã đưa ra thị trường tới 573 nhãn sữa bột giả, nhắm đến những nhóm như người suy thận, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và tiểu đường...

Hộp sữa mẹ chị Hồng đang sử dụng. Ảnh: NVCC.
Trên bao bì, các sản phẩm ghi rõ có chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng kết quả giám định cho thấy hoàn toàn không có những thành phần này.
“Tôi đối chiếu rất kỹ các loại sữa đã mua cho mẹ và hình ảnh hàng chục nhãn sữa giả. Nhưng vài năm nay, tôi mua cho bà nhiều loại, hiện không nhớ rõ tất cả nhãn sữa. Nếu sức khỏe mẹ yếu đi vì loại sữa giả đã vô tình mua phải, chắc tôi ân hận cả đời”, chị Hồng nghẹn ngào.
Nghe lời một người bạn giới thiệu về loại sữa “uống vào là con cứng cáp, bụ bẫm thấy rõ”, chị Lâm Mỹ Ngọc (31 tuổi) không ngần ngại bỏ hơn 500.000 đồng mua về cho cô con gái 8 tháng tuổi.
“Con tôi hơi nhẹ cân, lại hay ốm vặt nên tôi luôn ám ảnh chuyện phải tìm được loại sữa tốt để con có sức”, chị kể.
Những ngày đầu, đứa trẻ bú ít hơn so với bình thường. Chị Ngọc đinh ninh do con còn lạ sữa, sau vài ngày sẽ ổn. Thế nhưng, sau hơn một tháng sử dụng, tình trạng chẳng khá khẩm hơn. Đứa bé sụt mất nửa ký, khiến chị như “ngồi trên đống lửa”.
Đến khi tình cờ tra tên sản phẩm và phát hiện nó nằm trong danh sách gần 600 loại sữa giả, chị Ngọc chết lặng.
“Chẳng khác gì đầu độc con chỉ vì quá tin vào những lời đồn thổi không kiểm chứng”, chị cay đắng.

Công nhân đóng gói các sản phẩm sữa giả. Ảnh: Công an Nhân dân.
Cũng hoang mang không kém là Diệu Linh (33 tuổi, Bình Dương), người đang mang thai tháng thứ hai sau hành trình dài thụ tinh nhân tạo. Đọc tin về đường dây sữa giả, Linh vội vàng kiểm tra lon sữa bầu đang uống.
May mắn thay, lon sữa này không nằm trong danh sách giả, nhưng cô vẫn không khỏi rùng mình.
“Không phải mẹ bầu nào cũng may mắn như tôi. Chúng tôi trân quý sinh linh bé nhỏ trong bụng, đánh đổi sức khỏe, tinh thần có được em bé. Vậy mà nếu không may uống sữa giả, cả mẹ lẫn con có thể gặp nguy hiểm. Sao lại nhắm đến thai phụ, trẻ em, người già. Thật sự quá kinh khủng!”, Diệu Linh nói với Tri Thức - Znews.
Cô mong vụ việc được xử lý nghiêm minh, đồng thời cho rằng những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm cần có tâm, bởi phụ nữ mang thai, người già, trẻ em hay người bệnh đều là những người dễ tổn thương.
Không đặt lòng tin vào những thương hiệu xa lạ
Trước thông tin về đường dây sản xuất sữa giả với quy mô lớn bị triệt phá, nhiều bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, nhất là những người đã trót đặt niềm tin vào các sản phẩm không được kiểm chứng.
Theo bác sĩ nhi đồng Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong hoàn cảnh này, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, theo dõi kỹ những thay đổi ở trẻ để có hướng xử lý đúng đắn.
“Nếu trẻ dùng sữa mà không tăng cân, hoặc có biểu hiện phù nề, tiêu hóa kém, biếng ăn… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám dinh dưỡng để được kiểm tra và tư vấn kịp thời”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Vị chuyên gia nhấn mạnh việc sử dụng sữa giả trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả âm thầm như thiếu vi chất, thiếu máu, suy dinh dưỡng nhẹ mà nhiều cha mẹ khó phát hiện. Trong một số trường hợp, nếu sản phẩm chứa đạm không phù hợp, chức năng thận của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi nghi ngờ, việc thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận là điều không nên chần chừ.

Trẻ sơ sinh có thể đối mặt với tình trạng thiếu vi chất, thiếu máu khi uống sữa giả. Ảnh: Freepik.
Trong công văn gửi đến Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc đề nghị tăng cường công tác phòng, chống hàng giả là sản phẩm sữa, PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, nhấn mạnh sử dụng sữa giả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sữa giả không đảm bảo về chất lượng có thể gây ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ em. Ngoài ra, sữa giả có thể chứa các thành phần độc hại, có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, khiến người tiêu dùng đối mặt với các tình trạng sức khỏe lâu dài.
Một trong những điều nguy hiểm của sữa giả, theo bác sĩ Khanh, là thành phần thường chỉ gồm đường, chất béo tổng hợp và hương liệu. Những loại này dễ tạo cảm giác “ngon miệng”, khiến trẻ uống nhiều, nhưng hoàn toàn không cung cấp giá trị dinh dưỡng thực sự.
"Có khi cha mẹ mừng vì thấy con chịu bú, tưởng đã tìm được loại sữa phù hợp. Nhưng bên trong, cơ thể trẻ lại thiếu chất trầm trọng mà không ai hay biết", ông nói thêm.

Mẹ bầu nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng thay vì quá phụ thuộc vào sữa. Ảnh: Freepik.
Đối với phụ nữ mang thai, nhóm cũng bị nhắm đến trong đường dây sữa giả lần này, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định việc uống sữa không rõ nguồn gốc cũng phần nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thay vì quá phụ thuộc vào các sản phẩm sữa được quảng cáo dành riêng cho bà bầu, điều quan trọng hơn cả vẫn là duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng, đủ dưỡng chất, kết hợp với việc bổ sung sắt, canxi và axit folic đúng cách.
Ông nhấn mạnh: “Không phải cứ thấy có chữ ‘dành riêng cho mẹ bầu’ là mặc định tốt hơn. Nhiều sản phẩm không thật sự cần thiết nếu mẹ ăn uống hợp lý”.
Từ thực trạng đáng lo ngại này, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo việc chọn sữa cần được đặt trên nền tảng rõ ràng về nguồn gốc và thương hiệu. Phụ huynh không nên chọn những sản phẩm có tên lạ, ít người biết đến hoặc xuất hiện ồ ạt trên mạng xã hội kèm những lời quảng cáo hào nhoáng.
“Hiện nay có rất nhiều thương hiệu uy tín, đã được kiểm định chặt chẽ. Không có lý do gì để chọn một cái tên xa lạ chỉ vì nó rẻ hơn hay nghe có vẻ mới lạ”, vị chuyên gia khuyến cáo.