Băng biển ở Bắc Cực thấp thứ hai lịch sử trong tháng 1

Hãng Thông tấn AFP ngày 5/2 trích dẫn một phân tích vừa được Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) công bố cho hay, vào năm 2025, diện tích băng biển ở Bắc Cực đã được ghi nhận ở mức thấp thứ hai lịch sử trong tháng 1, khi các khu vực xung quanh Greenland chứng kiến nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình.

 Diện tích băng biển Bắc Cực trong tháng 1 vừa qua được ghi nhận ở mức trung bình 13,13 triệu km2. Ảnh minh họa: Alamy

Diện tích băng biển Bắc Cực trong tháng 1 vừa qua được ghi nhận ở mức trung bình 13,13 triệu km2. Ảnh minh họa: Alamy

Đáng chú ý, cả hai khu vực Bắc Cực và Nam Cực đều ấm lên khoảng 3 độ C so với mức từng được báo cáo vào cuối thế kỷ 19, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.

Cũng theo NSIDC, diện tích bề mặt băng biển Bắc Cực đã ở mức thấp kỷ lục vào tháng 12 năm ngoái, và tiếp tục ở gần mức thấp kỷ lục trong tháng 1 năm nay. Trung tâm này cho biết, diện tích bề mặt băng biển Bắc Cực vào tháng 1/2025 đã đạt trung bình 13,13 triệu km2. Đây là mức thấp thứ hai trong tháng 1 theo ghi chép vệ tinh. Diện tích bề mặt băng biển Bắc Cực tháng 1 năm nay cao hơn 50.000km2 so với mức thấp kỷ lục trong tháng 1 được thiết lập vào năm 2018, và thấp hơn 1,29 triệu km2 so với mức trung bình trong giai đoạn 1981 - 2010.

“Trái ngược với điều kiện lạnh giá đang bao trùm nước Mỹ ở gần Bắc Cực, phần lớn khu vực này đã trải qua nhiệt độ tháng 1 ở mức cao hơn trung bình”, NSIDC cho biết thêm.

Theo báo cáo của cơ quan này, mức tăng nhiệt độ đặc biệt rõ rệt ở phía Bắc Greenland và miền Trung Alaska, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình tới 8 độ C trong cùng tháng 1.

Trước đó, theo Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), trong năm 2024, nhiệt độ không khí bề mặt hàng năm ở Bắc Cực đã ở mức ấm thứ hai từng được ghi nhận.

Nhiệt độ tăng làm tan băng biển, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình nóng lên trong khu vực, do nước biển sẫm màu hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn, và do đó làm nóng bầu khí quyển, đẩy nhanh quá trình tan băng.

Trong một nghiên cứu liên quan được thực hiện hồi năm 2023, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, lớp băng của Bắc Băng Dương có khả năng sẽ biến mất vào mùa hè ngay vào những năm 2030, và sớm hơn một thập kỷ so với dự đoán, bất kể con người tích cực giảm ô nhiễm carbon, yếu tố thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu như thế nào.

Ngoài ra, tình trạng băng tan cũng ảnh hưởng lớn đến loài gấu Bắc Cực, loài cần băng biển để săn mồi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science vào tuần trước cho thấy, khoảng một nửa sự suy giảm của loài gấu Bắc Cực Vịnh Hudson ở Canada trong giai đoạn 1979 - 2021 là do tình trạng mất băng biển do biến đổi khí hậu.

THANH NGÂN(Lược dịch từ AFP & NSIDC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/bang-bien-o-bac-cuc-thap-thu-hai-lich-su-trong-thang-1-150573.html
Zalo