Bàn về giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ...
Sáng 15/4, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học 'Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Phương
Hội thảo tổ chức nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức đảng tại các cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng trong triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và đổi mới phương thức quản trị nhà trường phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ cao, chú trọng các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới... song song với đó là các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiến lược như: khoa học quản lý, quản trị phát triển, chính sách công, kinh tế học phát triển, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, văn hóa học, nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chiến lược, quản trị xã hội, và phát triển bền vững.
Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu, khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm khoa học – công nghệ; Xác định các điểm nghẽn và rào cản trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt trong mô hình khu công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ, tạo đột phá về thể chế, chính sách, tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực.
Phát triển mô hình liên kết hiệu quả giữa Nhà nước - doanh nghiệp – trường đại học – khu công nghệ cao; Thu hút và phát huy nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác song phương, trung tâm nghiên cứu quốc tế, nền tảng kết nối chuyên gia toàn cầu và các hoạt động giao lưu học thuật, thực tập, giảng dạy xuyên biên giới.
Hội thảo nhằm phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn chủ trì hội thảo. Ảnh: Công Phương
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong tiến trình đó, hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hà Nội, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, kinh tế, văn hóa và trung tâm về giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đi đầu trong thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW. Với mạng lưới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa các khát vọng lớn lao của Nghị quyết, tạo động lực mới cho tăng trưởng GRDP, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.
Với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục đại học tại Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW.
Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội Giáo sư Lê Anh Tuấn trình bày tham luận và cho rằng, phát triển khoa học và công nghệ không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt, một liên minh hành động, và một động lực tri thức – công nghệ – con người mạnh mẽ. Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất 6 chương trình nghiên cứu chiến lược phối hợp cùng TP phục vụ tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững của Thủ đô.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội Giáo sư Lê Anh Tuấn trình bày tham luận. Ảnh: Công Phương
Đó là: hệ sinh thái AI đô thị Hà Nội, bao gồm: xây dựng bản đồ số động, cảm biến môi trường – giao thông thời gian thực; hỗ trợ chính quyền ra quyết định nhanh, doanh nghiệp khai thác dữ liệu mở đô thị; phát triển công nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ, bao gồm: thiết kế robot, dây chuyền bán tự động, thiết bị công nghệ cao chi phí thấp; phục vụ doanh nghiệp phụ trợ, sản xuất nhỏ; chợ công nghệ số và nền tảng thương mại hóa tri thức, bao gồm: một “Shopee công nghệ” theo cấu trúc doanh nghiệp tìm giải pháp – trường đại học cung cấp công nghệ.
Xây dựng bản đồ số năng suất và tác động của hoạt động khoa học và công nghệ Hà Nội, bao gồm: đo lường năng suất đa ngành, hiệu quả đầu tư khoa học và công nghệ; tối ưu ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; hình thành Trung tâm mô phỏng – dự báo rủi ro đô thị, bao gồm: mô hình AI cảnh báo ngập úng, cháy nổ, quá tải hạ tầng; phục vụ quy hoạch và điều hành đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục thông minh, bao gồm: ứng dụng Công nghệ giáo dục (EdTech) trong đào tạo STEM; mô hình học tập suốt đời trên nền tảng số và đào tạo nhân lực số, nhân lực AI cho chính quyền và doanh nghiệp Thủ đô.
"Với vai trò là đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước, Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sát cánh cùng TP để tạo nên những bước chuyển thực chất, bền vững và đột phá góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành TP thông minh – xanh – hiện đại vào năm 2045" - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội Giáo sư Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội tiến sĩ Vũ Xuân Hùng chia sẻ, thực tiễn hoạt động tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy khoảng cách giữa kết quả đào tạo, nghiên cứu và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vẫn là một trong những thách thức lớn. Nhiều kết quả nghiên cứu giá trị được tạo ra tại các viện, trường, nhưng lại thiếu cơ chế, không gian và hệ sinh thái để được thử nghiệm, triển khai và thương mại hóa một cách hiệu quả.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội tiến sĩ Vũ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Phương
Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định rõ, các khu công nghệ cao - công nghiệp không chỉ đóng vai trò là “cầu nối” thụ động mà phải trở thành một “hub” - trung tâm hội tụ, tăng tốc và lan tỏa đổi mới sáng tạo, nơi các nhà nghiên cứu có thể đưa kết quả nghiên cứu đến gần hơn với cuộc sống và thị trường, Tại đây, các tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Nội, trên cả nước, và thậm chí từ quốc tế, có thể tìm thấy cơ hội thiết thực để áp dụng công nghệ mới, triển khai các phương án chuyển đổi số, phát triển sản phẩm, mô hình đổi mới - từ giai đoạn thử nghiệm, kiểm chứng công nghệ, đến mở rộng quy mô sản xuất và thương mại hóa.
"Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối, chủ động tham mưu cơ chế chính sách với TP, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà trường để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW trên địa bàn Thủ đô. Mong muốn từng doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và các sở, ban, ngành của TP cùng tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, nguồn lực và cùng nhau hành động một cách thiết thực, chung sức, chung lòng tạo nên những đột phá" - tiến sĩ Vũ Xuân Hùng chia sẻ.