Bàn về định hướng quy hoạch chung và bản sắc nơi chốn đối với tỉnh Lâm Đồng (mới)

Tỉnh Lâm Đồng (mới) dự kiến có 124 đơn vị hành chính (ĐVHC) trực thuộc (gồm 20 phường, 103 xã và 1 đặc khu biển đảo). Trong đó, tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 51 ĐVHC (gồm 9 phường, 42 xã); tỉnh Bình Thuận có 45 ĐVHC (gồm 8 phường, 36 xã, 1 đặc khu) và tỉnh Đắk Nông có 28 ĐVHC (gồm 3 phường, 25 xã); được tích hợp từ các nền văn hóa cấu thành nên bản sắc nơi chốn của 3 vùng đất luôn gắn liền với ký ức từ những tháng ngày qua, có tên gọi cũ là Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng (mới) có nhiều giá trị tăng thêm, tạo lợi thế so sánh với các địa phương khác trong cả nước, mở ra nhiều cơ hội và động lực để phát triển kinh tế thuận lợi, nhanh và bền vững. Ảnh: Chính Thành

Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng (mới) có nhiều giá trị tăng thêm, tạo lợi thế so sánh với các địa phương khác trong cả nước, mở ra nhiều cơ hội và động lực để phát triển kinh tế thuận lợi, nhanh và bền vững. Ảnh: Chính Thành

NHẬN DIỆN CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG (MỚI)

Trong lộ trình hợp nhất từ 3 tỉnh, tỉnh Lâm Đồng (mới) có những đặc điểm nổi trội về nhiều lĩnh vực; trong đó xét về góc độ quy hoạch và phát triển có 3 trụ cột quan trọng. Đó là:

(1) Về vị thứ xếp hạng: Đứng đầu bảng về diện tích tự nhiên, thứ 8 về quy mô dân số và thứ 13 về giá trị GRDP so với các địa phương khác trong cả nước...

(2) Về đặc điểm địa lý và giá trị văn hóa: Được tích hợp từ nhiều địa danh, khu vực và công trình có những giá trị nổi bật về địa dự, kinh tế, xã hội, di tích lịch sử, di sản văn hóa… mang tính đặc trưng, tiêu biểu của vùng miền, xứng tầm Quốc gia, khu vực, thậm chí trong đó có nhiều giá trị vật thể và phi vật thể mang tầm quốc tế…

(3) Về lợi thế dự địa phát triển: Với cấu trúc địa hình tự nhiên (gồm: miền núi, bình nguyên, đồng bằng và biển đảo), hợp thành 2 tiểu vùng khí hậu khác nhau trong cùng một tỉnh (ôn đới của Tây nguyên và nhiệt đới của Đông Nam bộ). Từ đó, sản sinh ra quỹ đất sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước (hơn 1 triệu ha); đảm bảo hệ sinh thái trên nền tảng phát triển nông nghiệp - công nghệ cao, sản sinh các loài rau, hoa, quả thương phẩm đặc trưng; sản vật cây trồng, vật nuôi (trên đất nông - lâm) rất phong phú và đánh bắt các loài thủy, hải sản (từ sông, hồ, biễn) với trữ lượng cao… Đồng thời, về môi trường và tài nguyên rừng, có hệ động - thực vật mang tính đa dạng sinh học cao, tiềm năng phù hợp cho phát triển kinh tế rừng, du lịch xanh và sinh thái; thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng cung cấp nguồn nước sạch từ thiên nhiên và góp phần cải thiện vi khí hậu cục bộ…

Riêng về hệ thống các đô thị và nông thôn của 3 tỉnh hiện nay, tích hợp thành 3 phân vùng kinh tế khác nhau; hầu hết đã và đang phát triển nhanh về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, quy mô xây dựng, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng… Trong đó, về diện mạo kiến trúc từng đô thị, các giá trị mang lại từ kiến trúc công trình đến không gian đô thị, được kết tinh từ 3 nền văn hóa dân tộc (Tây Nguyên, Chăm và Việt); hợp cùng nét đặc trưng kiến trúc Pháp của đô thị Đà Lạt trong hơn 130 năm hình thành và phát triển; có thể mở rộng ra đến toàn vùng cao nguyên Lang Biang (theo cấu trúc địa lý) và các đô thị vệ tinh giáp ranh (theo định hướng quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận từ các đồ án đã được phê duyệt trước đây)…

Với những ghi nhận mang tính khái quát như trên, chắc chắn chưa đầy đủ, nhưng có thể khẳng định: Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng (mới) hoàn toàn có nhiều giá trị tăng thêm, tạo lợi thế so sánh với các địa phương khác trong cả nước, do được bổ sung nhiều nguồn tài nguyên (về: địa lý, điều kiện thiên nhiên, các sản vật đặc trưng, di sản văn hóa và nhân văn…), mở ra nhiều cơ hội và động lực để phát triển kinh tế thuận lợi, nhanh và bền vững.

Tất nhiên, trong giai đoạn khởi đầu “sau sáp nhập” sẽ xuất hiện những cản lực, thách thức không nhỏ. Đáng lưu ý, một khi mô hình cấu trúc Nhà nước thay đổi, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quá trình lập - thẩm định - phê duyệt hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) sẽ được điều chỉnh một phần hoặc chấm dứt hiệu lực toàn bộ (như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy chuẩn QHXD, tiêu chuẩn cấp hạng phân loại đô thị và nông thôn mới…). Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng “mới” sẽ không thể áp dụng hay vận dụng hệ thống các đồ án QHXD đô thị và nông thôn đã và đang có hiệu lực pháp lý (được phê duyệt trước tháng 5/2025) của 3 tỉnh hiện nay, như: QH tỉnh “thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, QHXD vùng huyện, QH chung các xã nông thôn mới và hàng loạt các đồ án như QH chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận, QH phân khu, QH chi tiết, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (đã hoặc đang chờ phê duyệt)… trên từng địa bàn của 3 tỉnh, do không còn mô hình thành phố, thị xã, thị trấn và các xã, phường (thuộc chính quyền cấp huyện) và nay đã sáp nhập, chuyển đổi thành những ĐVHC cấp cơ sở (trực thuộc tỉnh)…

Những khó khăn nêu trên, khi nghĩ đến mục tiêu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để gia tăng nguồn lực… phải nghĩ ngay đến một trong những công cụ quản trị quan trọng. Đó là những bản đồ án QH chung (từ tổng thể đến các lĩnh vực chuyên ngành, từ các phân vùng kinh tế đến mô hình các ĐVHC trực thuộc)…

ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH CHUNG VÀ KIẾN TẠO BẢN SẮC RIÊNG

Để tỉnh Lâm Đồng (mới) có được những bộ đồ án QHXD nhanh nhất, phù hợp nhất, đáp ứng chính sách và chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu “tăng trưởng 2 con số” – trong giai đoạn 5 đến 10 năm đầu tiên trước thềm Kỷ nguyên mới (giai đoạn 2025 - 2035); buộc mỗi chúng ta phải nghĩ đến việc xác lập định hướng QH chung cho tỉnh mới, để từ đó có cơ sở quán triệt, hướng dẫn đến các sở, ngành cấp tỉnh và “Chính quyền cơ sở” sau khi hòa nhập vào bộ máy vận hành quản trị đất nước từ Trung ương đến địa phương.

Lúc này, thật khó để có được những khuyến nghị chuẩn xác cho phương pháp nghiên cứu lập đồ án QH chung xây dựng tỉnh Lâm Đồng (mới); nhưng có thể đặt ra những định hướng cần thiết như sau:

Về quan điểm và mục tiêu quy hoạch: Giải pháp QH tỉnh, phải hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển tổng thể tỉnh Lâm Đồng “mới”, trở thành một thương hiệu chung mang tính đại diện, thống nhất và đa dạng cho các vùng, miền, địa phương trong tỉnh. Đồ án QH chung không nên làm xóa nhòa bản sắc riêng của 3 phân vùng kinh tế đặc trưng, được kết tinh từ 2 tiểu vùng khí hậu và hình thành các nền tảng văn hóa khác biệt từ 3 tỉnh cũ – để khi hợp nhất, vẫn có được những giá trị tiêu biểu, nổi trội, giúp người dân và cả du khách dễ nhận diện bản sắc về nơi chốn của một địa danh mới mang tên “Lâm Đồng”, trên các vùng miền, địa danh trở thành xưa cũ với nhiều ký ức lắng đọng.

Về cấu trúc QH chung và mô hình sắp xếp ĐVHC: Hiện nay việc sắp xếp mô hình các phường, xã, đặc khu của tỉnh mới xem như đã ổn định. Giải pháp QH tỉnh cần phân loại và khoanh vùng các ĐVHC thành những Vùng phụ cận, đô thị vệ tinh hoặc đô thị đối trọng; nhằm chia sẽ chức năng cho đô thị chính, giảm tải mật độ xây dựng, cân bằng tỷ lệ quỹ đất ở, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp trong mỗi ĐVHC, hoặc phân bố hợp lý về quy mô dân số, lượng du khách cho các phân vùng kinh tế và khu du lịch trung tâm…

Trong phương pháp lập đồ án QHXD, hệ thống các đồ án do có các tỷ lệ khác nhau, nội hàm nghiên cứu với cấp độ khác nhau (từ tổng thể, đến phân khu và chi tiết khu vực); nên không thể có một đồ án QH chung của tỉnh, vừa bao quát ở tầm vĩ mô, lại có thể chi tiết hóa đến từng ĐVHC, để sau đó ghép lại thành một bức tranh tổng thể với 124 mảnh ghép riêng lẻ, có các chức năng phân khu (dù có tương đồng hay khác biệt). Do vậy, từ các Tiểu vùng khí hậu, Phân vùng kinh tế, đến các Vùng phụ cận, Đô thị vệ tinh (nêu trên), cần sắp xếp hình thành các Tiểu khu (hay Phân khu) với từng chức năng cụ thể. Ví dụ như: Tiểu khu Trung tâm hành chính và Dịch vụ (Đà Lạt, Đức Trọng), Tiểu khu đô thị cửa khẩu (giáp biên giới với Đắk Nông), Tiểu khu đô thị cửa ngõ (giáp các tỉnh, thành trong cả nước), Tiểu khu du lịch biển (Phan Thiết), Tiểu khu du lịch sinh thái rừng (Bidup - Núi Bà, Tà Cú…), Khu du lịch - Đô thị mới (hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia - Suối Vàng, hồ Tà Đùng…), Phân khu bảo tồn và di sản (Khu Vương triều Bảo Đại, Khu di sản cổ tháp Chămpa…), các khu đô thị mới gắn với mô hình TOD (từ tuyến đường sắt hiện nay, tuyến xe lửa tốc độ cao Bắc - Nam, đường xe lửa bánh răng cưa từ Đà Lạt đến Ninh Thuận, hệ thống tuyến đường bộ cao tốc Quốc gia và các cảng biển của Phan Thiết), các Phân khu nông nghiệp và du lịch nông thôn từ 3 phân vùng kinh tế… Riêng đảo Phú Quý cần nhanh chóng hình thành Đặc khu đô thị và kinh tế biển, hướng đến mô hình Khu đô thị phức hợp mang tầm quốc tế, với kiến trúc đô thị hiện đại và đa dạng về bản sắc…

Về kiến tạo bản sắc kiến trúc đa dạng và đặc trưng: Giải pháp QHXD tỉnh Lâm Đồng (mới) cần xác định các thứ hạng, như: Phân vùng ưu tiên, khu vực trọng tâm, công trình trọng điểm, khu đô thị có cấp độ đô thị hóa cao, hoặc vùng nông thôn cần phát triển tập trung… (tùy cấp độ quốc gia, cấp tỉnh, cấp vùng hay khu vực) cho từng Phân vùng kinh tế, Tiểu khu đô thị và khu vực nông thôn. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần làm rõ, như: Định hướng về không gian kiến trúc đô thị và nông thôn; xu hướng kiến trúc công trình; dạng thức văn hóa - dân tộc trong kiến trúc; công trình điểm nhấn cho từng Phân khu, hay biểu tượng kiến trúc đặc trưng cho từng vùng miền có văn hóa khác biệt… trước khi xác định các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cho khu vực hay công trình (về: cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao và chiều cao…).

Xét về diện mạo kiến trúc từng đô thị cũ, không thể phủ nhận giá trị kiến tạo bản sắc nơi chốn qua dòng thời gian hình thành và phát triển (như: Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc của Lâm Đồng, Phan Thiết, Phan Rí của Bình Thuận và Gia Nghĩa của Đắk Nông…). Dẫu sắp tới, các đô thị cấp tỉnh, huyện không còn mang theo danh xưng là thành phố, thị xã, thị trấn”, nhưng những thương hiệu địa danh ấy sẽ góp phần không nhỏ, tạo nên những động lực thu hút đầu tư và mục tiêu hướng đến trong các chiến lược phát triển kinh tế đô thị, hứa hẹn sẽ tiếp tục gợi mở, làm nên những dấu ấn khác biệt, cộng sinh và trường tồn trong tính nhất thể của một miền đất mới “Lâm Đồng”.

Trên đây là những suy nghĩ, hiến kế của cá nhân, có thể còn nhiều điều cần trao đổi, điều chỉnh hoặc bổ sung; nhưng khi bàn đến quy hoạch và phát triển, không thể không có những trăn trở, mong muốn: Tỉnh Lâm Đồng (mới) sẽ nhanh chóng hội nhập và phát triển bền vững; với phương châm: Đổi mới, sáng tạo và khoa học; để 20 năm sau, toàn dân Lâm Đồng tự hào sánh vai, vươn mình cùng dân tộc và Tổ quốc trên mọi chặng đường lịch sử của Thời đại mới – Kỷ nguyên mới, hân hoan đón chào 100 năm thành lập nước (02/9/1945 - 2045).

ThS. KTS. TRẦN ĐỨC LỘC - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/ban-ve-dinh-huong-quy-hoach-chung-va-ban-sac-noi-chon-doi-voi-tinh-lam-dong-moi-e682cd3/
Zalo