Bàn về đề xuất bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ
Các chuyên gia cho rằng bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ là phù hợp với xu thế nhưng cũng cần phải cân nhắc đối với các vụ án dân sự, hành chính.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Điều 252), Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Điều 6, Điều 70, Điều 106…), Luật Tố tụng hành chính (Điều 93) đều có quy định về hoạt động thu thập chứng cứ của tòa án.
Phát biểu mới đây tại buổi gặp gỡ với giảng viên, sinh viên luật ĐH Quốc gia TP.HCM tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ nghiên cứu bỏ các quy định nêu trên trong thời gian tới.
Vậy việc bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ nên hay không và nếu bỏ thì bỏ đến đâu, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.
ThS VÕ VĂN TÀI, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM:
Dân sự, hành chính: Cần cân nhắc khi bỏ
Trong tố tụng dân sự, theo thông lệ quốc tế thì việc xóa bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ là đúng với quyền của các nguyên đơn, bị đơn trong vụ án. Khi tham gia bảo vệ lợi ích của mình trong vụ án dân sự thì nguyên đơn, bị đơn phải có trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình để tòa án đánh giá, xem xét; tòa án không thể làm thay việc này.
Tại Việt Nam, theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi đương sự không cung cấp được bằng chứng hoặc bằng chứng không đạt yêu cầu dẫn đến việc tòa án không đánh giá được thì tòa án được phép thu thập chứng cứ.
Quy định như vậy cũng là phù hợp khi mà thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, khả năng vận dụng các quy định pháp luật của người dân để tự chứng minh cho yêu cầu của mình còn hạn chế. Đặc biệt là trong các vụ án mà chứng cứ có thể do cơ quan nhà nước nắm giữ, người dân khó có thể tự thu thập và cung cấp cho tòa án. Khi đó, việc cho phép tòa án thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự cũng một phần để bảo vệ cho bên yếu thế.
Tương tự đối với tố tụng hành chính, hiện nay tòa án cũng tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong trường hợp đương sự có đề nghị sau khi không thể tự mình thu thập được dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc tòa án xét thấy cần thiết…
Riêng với tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh, làm sáng tỏ vụ án là của cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS. Muốn khởi tố, truy tố một người thì trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền buộc phải thu thập chứng cứ để chứng minh việc khởi tố, truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nếu truy tố một người ra tòa mà không có đủ chứng cứ thì tòa không chấp nhận sự truy tố đó. Tòa chỉ giữ vai trò là trọng tài, người đánh giá những chứng cứ mà CQĐT, VKS thu thập đưa ra. Cạnh đó, tòa cũng xem xét những bằng chứng mà phía bị cáo đưa ra.
Trong vụ án hình sự, tòa án đóng vai trò như một trọng tài nên nếu cho phép tòa thu thập chứng cứ thì sẽ dễ dẫn đến việc coi trọng chứng cứ do tòa thu thập; đồng thời có thể làm xóa nhòa ranh giới với CQĐT, VKS. Vì lẽ đó, việc bỏ quy định thu thập chứng cứ của tòa trong vụ án hình sự là rất hợp lý ở mọi khía cạnh.
Viện sĩ-PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Chất lượng xét xử bị ảnh hưởng
Ở nhiều nước trên thế giới, tòa án không bao giờ đi thu thập chứng cứ kể cả vụ án dân sự và hình sự. Chứng cứ là chất liệu của bức tranh pháp lý mà người ta trình ra trước tòa để tòa phán xét.
Chất liệu đó phải từ các bên cung cấp, tòa án không nên “nhảy vào” để tạo lập hay bổ sung chứng cứ. Bởi nếu tòa án đi thu thập chứng cứ sẽ rất dễ coi trọng chứng cứ do mình tự thu thập hoặc “đi tìm” chứng cứ có lợi cho một bên, sẽ rất dễ bị lạm dụng. Quan tòa phải luôn đứng giữa, có như vậy mới vô tư trong việc đánh giá.
Điều này nằm trong logic của hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam không thể đảm bảo được tính logic đó. Chất lượng xét xử có thể bị ảnh hưởng bởi quy định cho phép tòa án đi thu thập chứng cứ.
Thẩm phán NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM:
Dễ lồng ghép ý kiến chủ quan của tòa
Trong tố tụng, hiện tòa án vẫn là nơi được thu thập chứng cứ nhưng xu thế hiện nay là trao quyền này lại cho chính các đương sự và các cơ quan khác để đảm bảo tính khách quan.
Khi tòa thu thập chứng cứ thì sẽ dễ có hiện tượng lồng ghép các ý kiến chủ quan của tòa vào trong đó. Điều này là không nên.
Sau này luật sư cũng có thể có quyền thu thập chứng cứ, có những quy định mới sẽ cho phép luật sư yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp hồ sơ, cung cấp đến mức độ nào. Việc này là nên làm để giúp cho vị thế của tòa tốt hơn. Ví dụ như tranh chấp tài sản, các bên có quyền đến các cơ quan độc lập để định giá rồi đem về xem xét, tòa án cũng không phải là người đi định giá. Điều này sẽ làm cho việc xét xử khách quan hơn, công bằng hơn.
Đương sự khó thực hiện quyền đề nghị tòa thu thập chứng cứ
Theo quy định về tố tụng dân sự, cụ thể là tại khoản 2 Điều 6, khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trong những trường hợp mà đương sự không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu thì có quyền đề nghị tòa án thu thập. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ cơ chế để bảo vệ quyền này.
Hơn nữa, quy định còn rất chung chung là những trường hợp đương sự có quyền đề nghị tòa án cung cấp chứng cứ là khi “tự mình không thể thực hiện được” hoặc tòa án “khi xét thấy cần thiết” thì trên thực tế rất khó để thực thi, không có tiêu chí nào để xác định được khi nào thì thuộc trường hợp trên.
Như vậy, có thể thấy một quy định liên quan đến quyền của đương sự mà không có cơ chế bảo đảm quyền thì quyền này gần như là khó để thực hiện trên thực tế.
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM