Ban Tổ chức lễ hội phải tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân
Để đảm bảo lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, có ý nghĩa, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, Ban tổ chức lễ hội có vai trò rất lớn.
Lễ hội là một sự kiện tổ chức để tôn vinh, kỷ niệm hoặc đánh dấu một dịp đặc biệt, thường liên quan đến một hoặc nhiều khía cạnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử hoặc truyền thống của một cộng đồng hoặc quốc gia. Bên cạnh việc mang lại niềm vui, sự thư giãn và cảm giác thoải mái cho mọi người, lễ hội còn là dịp để truyền tải giá trị văn hóa, làm giàu tâm hồn và nhận thức của con người. Ngoài ra, lễ hội còn có thể mang tính giáo dục, giúp mọi người tìm hiểu và hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và truyền thống của các cộng đồng khác nhau; là cơ hội để phát triển du lịch và kinh tế. Để phát huy ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội, Nhà nước cũng có quy định về việc quản lý và tổ chức lễ hội.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_65_51483343/11568081b3cf5a9103de.jpg)
Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thu Hà – Chuyên viên chính Phòng Quản lý hoạt động Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội được quy định tại Điều 7 Nghị định 110/2018/NĐ-CP.
Trong đó, Ban tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm sau:
- Ban hành, phổ biến quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
- Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội;
- Xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
- Quy định khu vực vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ, bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; treo, đặt bảng phổ biến nội dung, biển hướng dẫn ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin của người tham gia lễ hội;
- Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm, các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật;
- Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Vì thế, nếu người dân phát hiện những hành vi sai phạm diễn ra trong lễ hội, có thể gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức lễ hội (được niêm yết công khai) để phản ánh.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Hà, lễ hội phải tạm ngừng khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp:
- Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội;
- Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người;
- Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương;
- Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
Ban tổ chức lễ hội tự ngừng hoặc ngừng ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.