Bản tin quân sự 16/1: Ba Lan mua bom lượn Hàn Quốc

Bản tin quân sự 16/1: Ba Lan mua bom lượn Hàn Quốc để trang bị cho máy bay chiến đấu FA-50. Dòng bom lượn này đánh giá có khả năng chiến đấu hiệu quả cao.

Mỹ tăng cường sản xuất đạn tên lửa đánh chặn SM-3; Ba Lan mua bộ chuyển đổi bom lượn của Hàn Quốc…là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.

Mỹ tăng cường sản xuất đạn tên lửa đánh chặn SM-3

Theo trang tin Defense News, hãng chế tạo Raytheon sẽ tăng cường sản xuất dòng tên lửa phòng không Standard Missile 3 (SM-3) cho Hải quân Mỹ.

“Raytheon đang đầu tư vào dây chuyền sản xuất SM-3 để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí cho Hải quân Mỹ khi mối quan tâm toàn cầu trong việc mua thiết bị này tăng lên trong bối cảnh đánh chặn thành công các tên lửa được thiết kế để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ở Trung Đông”, ấn phẩm Defense News cho biết.

Tên lửa phòng không SM-3. Ảnh: Raytheon

Tên lửa phòng không SM-3. Ảnh: Raytheon

Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực tên lửa hải quân của Raytheon, Misty Holmes nhấn mạnh rằng, SM-3 đang được sử dụng tích cực nên nguồn dự trữ của chúng cần được bổ sung. Theo bà Holmes, công ty đang cố gắng đón đầu nhu cầu thị trường này. Cùng với đó, Raytheon đã hoàn thành năm 2024 với số lượng giao hàng tên lửa SM-3 IB kỷ lục.

Công ty đã đầu tư hơn 115 triệu USD để tăng tỷ lệ sản xuất lên gần 67%. Công việc tăng cường sản xuất tên lửa dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Tên lửa phòng không SM-3 IB đã được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ từ năm 2014. Đạn tên lửa này nặng 1,5 tấn và đạt tốc độ lên tới 3km/giây. Tên lửa mang đầu đạn hoạt động trong bầu khí quyển (LEAP), được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong và ngoại vi khí quyển.

Vào tháng 7/2024, The War Zone đăng tải, quân đội Mỹ đang nghĩ đến việc sử dụng tên lửa phòng không SM-6 đang được trang bị cho các tàu Hải quân làm vũ khí phòng không mặt đất.

Ba Lan mua bộ chuyển đổi bom lượn từ Hàn Quốc

Theo trang tin Defense24, máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Không quân Ba Lan sẽ trang bị bom lượn của Hàn Quốc - bom dẫn đường bằng tín hiệu vệ tinh (KGGB), được coi là loại bom tương tự bom trên không của Nga với bộ trang bị dẫn hướng và định vị gắn ngoài.

“Hiện tại, Cơ quan quản lý vũ khí Ba Lan đang đàm phán mua các hệ thống bom dẫn đường hàng không KGGB”, Defense24 đăng tải.

Bom lượn KGGB. Ảnh: Defense News

Bom lượn KGGB. Ảnh: Defense News

Ấn phẩm nhấn mạnh rằng việc mua bom KGGB sẽ mở rộng khả năng của máy bay trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước. Ngoài ra, bom lượn còn giúp máy bay chuyên chở hoạt động ngoài ô phòng không của đối phương.

Cùng với đó, máy bay FA-50 cũng sẽ có thể sử dụng các loại vũ khí được trang bị cho máy bay chiến đấu F-16, bao gồm tên lửa AGM-65 Maverick, bom hàng không Mk 82 và bom lượn liên quân (JDAM).

KGGB được hoán cải từ bom hàng không Mk 82 nặng 227kg và bộ trang bị chuyển đổi gồm cánh lượn và hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh. Công nghệ này không mới khi nhiều quốc gia đã áp dụng để hoán cải bom thông thường thành vũ khí tấn công chính xác cao.

Ấn Độ thử nghiệm hệ thống chống máy bay không người lái

Hệ thống chống máy bay không người lái Bhargavastra do Tập đoàn Solar phát triển đã được thử nghiệm thành công ở Ấn Độ. Theo các nhà phát triển, hệ thống tên lửa này có khả năng chống lại các máy bay không người lái đơn lẻ, bầy đan và đạn tuần kích tấn công.

Trong cuộc thử nghiệm được tiến hành tại thao trường Gopalpur, các tên lửa cỡ nhỏ chống máy bay không người lái đã bắn trúng các mục tiêu trên không ở khoảng cách 2,5 km và ở độ cao 400m. Tập đoàn Solar tuyên bố rằng độ cao tối đa để bắn trúng mục tiêu của hệ thống trên không đạt tới 5km. Hệ thống radar của vũ khí có khả năng hoạt động tốt trong môi trường áp chế điện tử, phát hiện máy bay không người lái cỡ lớn và vừa ở khoảng cách 10km, máy bay nhỏ - 6km.

Hệ thống đánh chặn máy bay không người lái Bhargavastra. Ảnh: Defense News

Hệ thống đánh chặn máy bay không người lái Bhargavastra. Ảnh: Defense News

Hệ thống được thiết kế để triển khai trên khung gầm xe vận tải đặc chủng giúp triển khai nhanh chóng và có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường dã chiến, trong đó có vùng núi cao. Đây là yêu cầu rất quan trọng so với yêu cầu của quân đội Ấn Độ. Bhargavastra có thể được tích hợp với các mạng vũ khí hiện có để phục vụ chiến lược Tác chiến lấy mạng làm trung tâm.

Hệ thống này bao gồm một trung tâm chỉ huy và điều khiển được trang bị công nghệ C4I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc, máy tính và tình báo) tiên tiến. Bhargavastra cũng có khả năng cung cấp khả năng giám sát chiến trường và đánh giá độc lập khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu không người lái riêng lẻ hoặc một nhóm thiết bị bay trong khu vực cụ thể.

Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-tin-quan-su-161-ba-lan-mua-bom-luon-han-quoc-369880.html
Zalo