Thỏa thuận lịch sử giữa Israel- Hamas đạt được sau hơn 460 ngày chiến tranh khốc liệt

Thỏa thuận bao gồm 3 giai đoạn. Song song với lệnh ngừng bắn, hai bên tiến hành trao đổi tù nhân, Israel dần rút hết quân khỏi Dải Gaza, chấm dứt chiến tranh và mở đường cho quá trình tái thiết dải đất của người Palestine bị tàn phá.

Ngày 15/1, Israel và nhóm kháng chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza Hamas đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn thông qua vai trò trung gian hòa giải của Qatar và Mỹ.

Thỏa thuận lịch sử đạt được sau hơn 460 ngày chiến tranh khốc liệt khiến phần lớn Dải Gaza biến thành đống đổ nát.

Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani- đại diện nước chủ nhà tổ chức cuộc đàm phán cho biết, thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1, sau khi được Quốc hội Israel thông qua, dự kiến ngày 16/1.

Thỏa thuận bao gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu sẽ kéo dài 6 tuần.

Giai đoạn này, cùng với lệnh ngừng bắn tạm thời, sẽ diễn ra một cuộc trao đổi tù nhân. Hamas sẽ thả 33 con tin Israel, bao gồm phụ nữ, trẻ em và con tin là dân thường trên 50 tuổi. Đổi lại, Israel sẽ thả một số lượng nhiều hơn tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Israel.

Song song với việc trao đổi tù nhân, Israel sẽ rút quân khỏi các trung tâm dân cư ở Gaza về khu vực biên giới.

 Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn Israel- Hamas, tại một cuộc họp báo ngày 15/1. Nguồn: Timesofissrael.

Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn Israel- Hamas, tại một cuộc họp báo ngày 15/1. Nguồn: Timesofissrael.

 Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden (giữa) thông báo việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn- trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, tại cuộc họp báo ngày 15/1. Nguồn: Timesofissrael.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden (giữa) thông báo việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn- trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, tại cuộc họp báo ngày 15/1. Nguồn: Timesofissrael.

Israel sẽ cho phép người Palestine trở về nhà ở phía bắc Dải Gaza và cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào dải đất với lưu lượng 600 xe tải mỗi ngày.

Israel cũng sẽ cho phép những người Palestine bị thương rời khỏi Dải Gaza để điều trị và mở lại cửa khẩu Rafah với Ai Cập, ở thời điểm 7 ngày sau khi bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên.

Lực lượng Israel sẽ giảm sự hiện diện quân đội tại Hành lang Philadelphi, khu vực biên giới giữa Ai Cập- Gaza, sau đó rút quân hoàn toàn chậm nhất là ngày thứ 50 sau khi thỏa thuận có hiệu lực.

Trong khi diễn ra giai đoạn đầu tiên, các bên sẽ đàm phán chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba, vốn đã được nhất trí về nguyên tắc.

Ở giai đoạn 2, Hamas sẽ thả tất cả những con tin Israel còn sống đang bị giam giữ, chủ yếu là binh sĩ, để đổi lấy việc thả số lượng nhiều hơn tù nhân Palestine.

 Người dân Palestine ở Gaza bày tỏ vui mừng trước thông tin đạt được thỏa thuận ngừng bắn Hamas- Israel. Ảnh: AP/Abdel Kareem Hana.

Người dân Palestine ở Gaza bày tỏ vui mừng trước thông tin đạt được thỏa thuận ngừng bắn Hamas- Israel. Ảnh: AP/Abdel Kareem Hana.

 Người thân con tin Israel và người ủng hộ tại Tel Aviv, phản ứng trước thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, ngày 15/1. Ảnh: Itai Ron/Flash90.

Người thân con tin Israel và người ủng hộ tại Tel Aviv, phản ứng trước thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, ngày 15/1. Ảnh: Itai Ron/Flash90.

Trong giai đoạn này, Israel sẽ bắt đầu quá trình rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.

Nếu các điều kiện của giai đoạn thứ hai được đáp ứng, giai đoạn thứ ba sẽ chứng kiến việc Hamas trao trả thi thể của những con tin còn lại để đổi lấy một kế hoạch tái thiết kéo dài từ 3-5 năm, được thực hiện dưới sự giám sát của quốc tế.

Hiện tại không có điều khoản nào về việc ai sẽ quản lí Gaza sau lệnh ngừng bắn. Trước đó Mỹ đã thúc đẩy một kịch bản Chính quyền Palestine đẩy mạnh cải cách để thực hiện việc quản lí Gaza.

 Hoạt động quân sự tàn khốc và kéo dài của Israel đã biến phần lớn Gaza thành đống đổ nát và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại đây. Ảnh: Omar Al-Qattaa/AFP.

Hoạt động quân sự tàn khốc và kéo dài của Israel đã biến phần lớn Gaza thành đống đổ nát và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại đây. Ảnh: Omar Al-Qattaa/AFP.

Ngày 14/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, công cuộc tái thiết và quản lí hậu chiến ở Gaza sẽ bắt đầu bằng việc Chính quyền Palestine sẽ mời các đối tác quốc tế tham gia thành lập một cơ cấu lâm thời để điều hành các dịch vụ quan trọng và quản lí lãnh thổ. Các đối tác khác, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập sẽ cung cấp lực lượng để đảm bảo an ninh trong ngắn hạn.

Để một kế hoạch như vậy có thể thực hiện được, nó sẽ cần sự hỗ trợ của các quốc gia Ả Rập, bao gồm Ả Rập Xê Út, những quốc gia đã tuyên bố họ sẽ chỉ ủng hộ kế hoạch này nếu có một đường hướng dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Văn Phong/Aljazeera

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/thoa-thuan-lich-su-giua-israel-hamas-dat-duoc-sau-hon-460-ngay-chien-tranh-khoc-liet-171607.html
Zalo