Bản tin 30/11: Phân biệt xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh

Phân biệt xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh; Chủ tịch Hà Nội đối thoại với nông dân Thủ đô...

Phân biệt xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Chính Phủ bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), nhiều người nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh.

Bà Thủy nhấn mạnh, không có phương thức nào được gọi là "phương thức xét tuyển sớm". Vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, cần làm rõ cách hiểu về xét tuyển sớm vì một số cơ sở đào tạo và thí sinh dường như có cách hiểu chưa chính xác. Theo bà Thủy, xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là khác nhau.

Cụ thể, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Tuy nhiên, trên phương diện thời gian thì xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Do hiểu nhầm là, chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển "riêng" (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu.

Vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

Theo bà Thủy, thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.

Chủ tịch Hà Nội đối thoại với nông dân Thủ đô

Sáng 29/11, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024 với chủ đề "Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững".

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường UBND Thành phố Hà Nội và kết nối trực tuyến 18 điểm cầu tại các huyện, thị xã với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo UBND Thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Hội Nông dân các cấp; đại biểu là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị là diễn đàn trực tiếp để Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ngành trao đổi với nông dân về chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác…

Đang điều tra nguyên nhân vụ nổ trên đỉnh núi ở Làng Nủ

Vị trí xảy ra tiếng nổ tại thôn Làng Nủ. Ảnh: Báo Lào Cai.

Vị trí xảy ra tiếng nổ tại thôn Làng Nủ. Ảnh: Báo Lào Cai.

Ngày 29/11, người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn phát ra từ đỉnh núi, khu vực từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng hồi đầu tháng 9. Tiếng nổ lớn kèm theo khói bụi dày đặc bốc lên, bao phủ cây cối xung quanh. May mắn thay, khu vực này không có dân cư sinh sống hoặc canh tác nên không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản.

Ngay sau sự việc, lãnh đạo xã Phúc Khánh cùng huyện Bảo Yên đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra tình hình, đồng thời chỉ đạo tổ công tác tiếp cận khu vực xuất hiện tiếng nổ nhằm xác định nguyên nhân ban đầu. Chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ bình tĩnh, chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tình huống nguy hiểm.

Một số người dân đang thu hoạch ngô ở khu vực gần hiện trường chia sẻ với báo Công Thương, tiếng nổ có thể xuất phát từ những tảng đá lớn còn sót lại từ vụ sạt lở trước đây. Họ phỏng đoán, các khối đá này vừa tiếp tục sụp xuống, tạo ra tiếng động lớn và khói bụi lan rộng.

Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, huyện đã khẩn trương cử đoàn công tác đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, đồng thời đánh giá tình hình nhằm triển khai các biện pháp ứng phó nếu xuất hiện nguy cơ tiếp diễn. "Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã thực hiện phong tỏa hiện trường và rà soát kỹ lưỡng các khu vực liên quan để xác minh chính xác nguồn gốc vụ nổ", ông Thông nhấn mạnh.

Hiện tại, các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến, đảm bảo an toàn cho người dân khu vực lân cận. Nguyên nhân cụ thể sẽ được công bố sau khi có kết quả điều tra chi tiết.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-30-11-phan-biet-xet-tuyen-som-va-cac-phuong-thuc-tuyen-sinh-204241129190037394.htm
Zalo