Bản tin 20/11: Dự tính đưa 3 đại học lên đại học quốc gia

Dự tính đưa 3 đại học lên đại học quốc gia; Người phụ nữ khiến bác sĩ ngạc nhiên vì mắc 3 loại ung thư...là các tin nổi bật.

Dự tính đưa 3 đại học lên đại học quốc gia

Đại học Bách khoa được quy hoạch thành đại học quốc gia. Ảnh: NBCL.

Đại học Bách khoa được quy hoạch thành đại học quốc gia. Ảnh: NBCL.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ lên đại học quốc gia như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Thông tin trên Nhà báo & Công luận, theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kì 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ GD&ĐT cho biết hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục Đại học, trong đó 172 cơ sở công lập; 67 cơ sở ngoài công lập (5 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài).

Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trực thuộc các địa phương).

Số lượng các trường tăng khá nhiều tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (trên 44%), Đông Nam Bộ (trên 18%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).

“Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh vì số trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GD&ĐT) có tỉ lệ cao; số lượng các trường Đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước”, Bộ GD&ĐT thông tin.

Tính đến nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên. Hầu hết các cơ sở này khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn ngành.

Các cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam phần lớn có diện tích nhỏ, diện tích sàn xây dựng thấp đặc biệt là tại các vùng có mức độ phát triển kinh tế cao như vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ.

Tính đến năm 2030, cả hệ thống giáo dục Đại học sẽ thiếu khoảng 3.041 ha cho tất cả các vùng, tập trung chủ yếu vào vùng Đồng bằng sông Hồng, gần 1.132 ha (Hà Nội khoảng 938 ha) và Đông Nam Bộ, 1.110 ha (TPHCM khoảng 799 ha).

Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu. Trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành).

Khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục Đại học tư thục. Trong đó, phát triển thêm 3 Đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Với các trường đào tạo giáo viên, Bộ dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Đến năm 2030, cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.

Những trường này là: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm Tp.HCM, trường Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ.

Cũng theo dự thảo này, những trường đại học công lập không đạt chuẩn của Bộ sẽ được tái cấu trúc, tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong 3-5 năm; sáp nhập vào trường khác; hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Cách làm cũng tương tự với các phân hiệu trường đại học không đạt chuẩn.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có chủ trương không thành lập trường đại học công lập mới, trừ các trường hợp: cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp, cụ thể Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Người phụ nữ khiến bác sĩ ngạc nhiên vì mắc 3 loại ung thư

Theo Vietnamnet, đi khám định kỳ sau 5 năm điều trị ung thư tuyến giáp, người phụ nữ 58 tuổi bất ngờ phát hiện mắc thêm 2 loại ung thư rất hay gặp ở người Việt là vú và đại tràng.

Bệnh nhân nữ 58 tuổi (ở Tuyên Quang), có tiền sử bị tăng huyết áp đã điều trị nhiều năm. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ từ tháng 12/2018. Bác sĩ căn dặn bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám định kỳ theo lịch hẹn.

Đến tháng 9 năm nay, bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện khối u vú phải, kích thước 3x4cm, phân loại BIRADS 5. Bệnh nhân được chỉ định sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô xâm nhập và được chỉ định nhập viện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa, tầm soát thêm bệnh lý đường tiêu hóa, kết quả nội soi tiêu hóa phát hiện thêm tổn thương tại đại tràng sigma. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bà bị ung thư biểu mô tuyến.

Bác sĩ khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ nhận định đây là trường hợp rất đặc biệt, cùng lúc mắc 3 bệnh ung thư: tuyến giáp, tuyến vú, đại tràng. Sau cuộc hội chẩn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ vú phải, vét hạch nách phải, cắt đoạn đại tràng sigma vét hạch của bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 3 giờ đồng hồ.

Tới ngày 19/11, sau hậu phẫu hơn 10 ngày, bệnh nhân hồi phục sức khỏe, không gặp biến chứng nào. 2 tuần nữa, bệnh nhân sẽ trở lại bệnh viện điều trị hóa chất bổ trợ chu kì.

Các thầy thuốc cho biết hai yếu tố quan trọng trong việc đẩy lùi bệnh ung thư là khả năng tầm soát phát hiện sớm và nhận thức dự phòng bệnh ung thư ở chính người bệnh. Ba loại ung thư bệnh nhân mắc phải gồm vú, tuyến giáp và đại tràng đều có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.

Hai thiếu niên tử vong vì tai nạn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Thông tin ban đầu trên CAND, sáng 19/11, người đi đường phát hiện một người té xe nằm ven đường đèo Quốc lộ 55 đoạn qua xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Qua kiểm tra, nạn nhân đã tử vong.

Sự việc được trình báo Công an xã Đa Mi. Nạn nhân được xác định là em H.N.H (SN 2007, ngụ thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc). H. còn đang ở tuổi vị thành niên, điều khiển xe máy hướng Lâm Đồng - Bình Thuận, khi đến địa điểm trên là khúc cua cong đã tông vào hộ lan tôn sóng bên phía vực đèo rồi té xuống đường, tử vong tại chỗ.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã đến khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Sau khi hoàn tất khám nghiệm, thi thể nạn nhân được bàn giao cho gia đình đưa về lo hậu sự.

Vào khoảng 8h sáng cùng ngày, em T.N.V.H, SN 2007, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An điều khiển xe máy BKS 62G1-735.20 lưu thông trên đường công vụ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Khi đến hầm chui giữa cầu vượt số 4 và cầu vượt số 5 cao tốc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thì xảy ra va chạm với xe gắn máy do 2 thanh niên điều khiển đang lưu thông theo hướng ngược lại.

Sự cố xảy ra khiến 3 người té xe và đập người xuống đường. Em H tử vong tại chỗ còn 2 thanh niên bị thương nặng được chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Công an huyện Thủ Thừa khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng để làm rõ nguyên nhân.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-2011-du-tinh-dua-3-dai-hoc-len-dai-hoc-quoc-gia-a636667.html
Zalo