Bản tin 17/2: Năm 2025, không áp dụng xét tuyển sớm vào đại học

Năm 2025, không áp dụng xét tuyển sớm vào đại học; Chi 17 tỷ đồng 'cứu' cột đá hình phụ nữ ôm con từng bị sét đánh...

Năm 2025, không áp dụng xét tuyển sớm vào đại học

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những thay đổi quan trọng từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 là không áp dụng xét tuyển sớm. Tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được xét chung trong một đợt. Thí sinh lớp 12 cần lưu ý nội dung này để chủ động kế hoạch cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh đại học năm nay.

Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong tháng 2-2025. So với dự thảo đã công bố, quy chế tuyển sinh chính thức có nhiều điều chỉnh nhằm bảo đảm công bằng, phù hợp với tình hình thực tế và nâng chất lượng nguồn tuyển.

Bên cạnh việc bỏ hẳn xét tuyển sớm, từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nếu cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thì phải sử dụng kết quả của cả năm học lớp 12. Từ kỳ tuyển sinh năm 2024 trở về trước, các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thường chỉ sử dụng điểm của 5 học kỳ, tức là lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12. Việc này khiến học sinh chểnh mảng, không tập trung học ở học kỳ II lớp 12, làm ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiện tại, có khoảng 70 cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Về cơ bản, các trường đều áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển nhưng chưa công bố thời gian, chỉ tiêu… do còn đợi quy chế tuyển sinh chính thức được ban hành.

Xét tuyển sớm là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thường là xét bằng học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét chứng chỉ quốc tế… Phương thức này được các trường sử dụng từ nhiều năm nay và được thí sinh chờ đón, tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều bất cập.

Hà Nội: Gần 60.000 công ty chây ỳ đóng BHXH, hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng

Tính đến hết tháng 1/2025, Hà Nội có tới 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động.

Theo thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 1/2025, toàn thành phố có tới 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Con số này cho thấy sự trì trệ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhiều doanh nghiệp, điều này chắc chắn sẽ khiến không ít người lao động rơi vào cảnh lao đao vì không được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.

Đáng chú ý, trong số gần 60.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, có hàng trăm doanh nghiệp đã chậm đóng trên 6 tháng với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Chi 17 tỷ đồng "cứu" cột đá hình phụ nữ ôm con từng bị sét đánh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thẩm định dự án Bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu (cột đá hình người phụ nữ ôm con) thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, Tp.Thanh Hóa.

Hòn Vọng Phu được cấu tạo từ đá vôi, theo thời gian bị phong hóa, nứt nẻ. Kết quả khảo sát của ngành chức năng cho thấy có mặt tầng đất tàn tích, sườn tích hay các đới đá nứt nẻ, vỡ vụn dày trên bề mặt tại vết lộ địa chất phần đồi núi cũng như các tảng nứt vỡ, chứng tỏ quá trình phong hóa đất đá đã diễn ra mạnh mẽ.

Quá trình phong hóa làm biến đổi thành phần của đá gốc, đá mất tính liền khối, giảm đi độ bền của khối đá.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-17-2-nam-2025-khong-ap-dung-xet-tuyen-som-vao-dai-hoc-204250216181619392.htm
Zalo