Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến những nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 26/12, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng về phát triển KT-XH.

Ngày 26/12, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng về phát triển KT-XH.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Cho ý kiến về việc xây dựng Kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 140 năm thành lập tỉnh Hòa Bình (1886 - 2026), 35 năm tái lập tỉnh Hòa Bình (1991 - 2026), các đại biểu thống nhất việc tổ chức lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước, sự đoàn kết nhất trí, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình về những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh qua chặng đường 140 năm xây dựng và phát triển; tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân; quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế đến với Hòa Bình. Dự kiến, lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, vào trung tuần tháng 10/2026; thời gian tổ chức các hoạt động chào mừng diễn ra từ năm 2025 tới tháng 9/2026.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với kế hoạch, đồng thời yêu cầu: Lễ kỷ niệm được tổ chức phải đảm bảo sự trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phải mang ý nghĩa kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai; quảng bá, giới thiệu với bè bạn trong nước, quốc tế về hình ảnh, con người, mảnh đất Hòa Bình, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Các hoạt động chào mừng kỷ niệm phải làm nổi bật những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trên chặng đường 140 năm xây dựng và phát triển, 35 năm tái lập tỉnh Hòa Bình. Lễ kỷ niệm cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch cụ thể, phân công, phân nhiệm, phân việc tới từng địa phương. Phối hợp tuyên truyền sâu, rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong Nhân dân. Trong đó tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức hội thảo liên quan tới nền Văn hóa Hòa Bình; tổ chức các cuộc thi, liên hoan về văn hóa, nghệ thuật; khởi công, hoàn thành các công trình trọng điểm chào mừng lễ kỷ niệm; tổ chức trưng bày, giới thiệu các thành tựu KT-XH tỉnh Hòa Bình...

Cho ý kiến về việc giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán và mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2024, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy đồng ý với tờ trình của UBND tỉnh. Theo báo cáo, năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 9,2% xuống còn 6,77% (giảm 2,43%). Theo thống kê năm 2024, tổng số hộ nghèo là 14.792 hộ và hộ cận nghèo là 17.496 hộ. Năm nay, do thay đổi mức lương cơ sở dẫn đến nhu cầu kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng tăng lên. Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội tỉnh thì kinh phí còn thiếu so với dự toán giao.

Với tinh thần "tương thân tương ái”, "lá lành đùm lá rách” nhằm thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, đảm bảo Tết đến với mọi người, mọi nhà, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin chủ trương của BTV Tỉnh ủy về mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ nghèo và 300.000 đồng/hộ cận nghèo. Tổng số tiền xin bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các đơn vị để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2025 và mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2024 là 19.679 triệu đồng.

Cho ý kiến về tờ trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 các huyện, thành phố, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Thực hiện điều chỉnh phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo quy hoạch các dự án và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong quá trình thực hiện cần rà soát lại các dự án không triển khai, thu hồi theo quy định chống lãng phí tài nguyên đất.

Cho ý kiến về tờ trình của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Kế hoạch phải đảm bảo tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; bảo đảm tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án. Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển KT-XH bền vững, trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp. Phân bổ nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực đầu tư công có tính dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội để tạo ra sự phát triển đột phá, thúc đẩy quá trình đổi mới các mô hình phát triển ngành, lĩnh vực theo hướng tạo ra giá trị, hiệu quả cao. Đề cao tính chủ động, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Hội nghị cũng cho ý kiến vào các tờ trình: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đồng tại xóm Khánh, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong; việc tổ chức lại Trường phổ thông DTNT THCS B huyện Đà Bắc, trực thuộc Sở GD&ĐT…

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/196850/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-nhung-noi-dung-quan-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.htm
Zalo