Ban Thường vụ Bình Định và Gia Lai bàn phương án sáp nhập tỉnh

Chiều nay (26/4), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.

Theo Đề án, sẽ thành lập tỉnh Gia Lai mới trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính, gồm diện tích tự nhiên hơn 15.510 km², quy mô dân số hơn 1.770.000 người của tỉnh Gia Lai và toàn bộ địa giới hành chính, gồm diện tích tự nhiên hơn 6.066 km², quy mô dân số hơn 1.813.000 người của tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên hơn 21.576 km²; quy mô dân số hơn 3.583.000 người. Sau khi sáp nhập, tỉnh có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường).

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Đây là cuộc họp thứ hai giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh bàn việc sáp nhập tỉnh. Cuộc họp đã xem xét, cho ý kiến các vấn đề lớn để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, trình Quốc hội.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết hội nghị là sự kiện quan trọng để chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương về sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại hội nghị

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại hội nghị

"Hai Ban Thường vụ cần thống nhất nguyên tắc sắp xếp bộ máy và phân công cán bộ để thực hiện việc hợp nhất. Đây là việc hết sức hệ trọng. Nhập lại là dễ, nhưng tạo ra không gian phát triển mới cho hai tỉnh, sau này là một tỉnh thì cần phải tính toán kỹ. Bây giờ phải sắp xếp, tổ chức bộ máy như thế nào, phân công cán bộ ra sao để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, giúp bộ máy mới vận hành ngay sau khi sáp nhập, thực hiện được chủ trương của Trung ương, nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", theo ông Dũng.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết đề án sắp xếp đơn vị hành chính 2 tỉnh đến thời điểm hiện tại cơ bản đã thống nhất cao, từ chủ trương của Trung ương đến việc lấy ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại hội nghị

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại hội nghị

Ban Thường vụ 2 tỉnh đã trao đổi và thống nhất; Hội đồng Nhân dân 2 tỉnh cũng đã có Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập. Hội nghị lần này nhằm cho ý kiến lần cuối đối với các nội dung cụ thể của đề án trước khi gửi trình Trung ương theo quy định.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ban-thuong-vu-binh-dinh-va-gia-lai-ban-phuong-an-sap-nhap-tinh-post1195144.vov
Zalo