Bản sắc văn hóa trong tên gọi các xã mới ở Bình Lục
Ở đồng bằng Bắc Bộ, người ta có thể quên cả đường đi lối lại nhưng hiếm khi quên tên làng, tên xã - bởi đó là thứ neo giữ ký ức cộng đồng, là âm thanh của cội nguồn. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, mỗi tên xã mới ở Bình Lục được bắt đầu bằng chữ 'Bình'. Với mỗi người dân, nó không chỉ là âm tiết mở đầu quen thuộc mà là biểu tượng lắng đọng cho truyền thống đoàn kết, trầm tích văn hóa, sự thống nhất mà vẫn đa sắc của một vùng quê đã đi qua bao bể dâu thời gian.
Hiển hiện giữa đất trời Bình Lục bao đời nay là một ngọn núi thấp mang tên núi Quế, hay còn gọi là núi Nguyệt Hằng, núi An Lão. Một ngọn núi cô đơn giữa đồng quê chiêm trũng, nhưng đã trở thành biểu tượng sông - núi của Bình Lục: “Núi Quế sông Ninh”! Ngọn núi ấy, theo quan niệm của những nhà nghiên cứu văn hóa, nó được ví như một trục vũ trụ, hít sinh khí của trời rồi truyền tải xuống đất cho muôn loài động vật sinh sôi... Ngọn núi này thuộc thôn An Lão, xã An Lão, huyện Bình Lục – một trong những địa phương tới đây sẽ sáp nhập với hai xã An Đổ và Tiêu Động để trở thành xã Bình Sơn... Bà Đào Thị Minh Sản, một giáo viên nghỉ hưu ở xã La Sơn chia sẻ: Tôi rất yêu cái tên Bình Sơn. Nó gợi đến ngọn núi duy nhất ở Bình Lục quê tôi, nhưng quan trọng hơn nó là cái tên dung hòa được cả ba xã cũ...
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Nam, những xã mới của Bình Lục được đặt tên là Bình Sơn, Bình Giang, Bình Lục, Bình An và Bình Mỹ. Mỗi quyết định đặt tên mới là một sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nó không đơn thuần là sự cộng gộp mà là sự chắt lọc từ bản sắc, hồn cốt của làng quê. Đồng chí Vũ Trùng Dương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Lục, người theo sát quá trình chuẩn bị và lấy ý kiến nhân dân, chia sẻ: Chúng tôi xác định việc đặt tên xã mới không chỉ là thủ tục hành chính mà đó còn là cách để tôn trọng lịch sử, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời định hướng tương lai. Tên gọi phải gần gũi, dễ nhớ, dễ gọi, mà vẫn mang hơi thở của vùng đất này.

Lãnh đạo huyện, xã Bồ Đề và các cụ bô lão bên bức phù điêu bằng đá mô phỏng cuộc biểu tình thị uy của nông dân Bình Lục năm 1930.
Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, những người cao niên đã kể lại các truyền thuyết, các tích xưa gắn với tên làng, tên xã. Ở nơi ấy, mỗi địa danh vừa là chỉ dẫn không gian, vừa là nơi lưu giữ ký ức cộng đồng, từ sự tích ông tổ nghề rượu Vọc đến chuyện các bậc tiền nhân khai hoang, lập ấp, hay những năm tháng hào hùng trong kháng chiến. Vì vậy, không ít tên gọi cũ, dù không còn nguyên vẹn sau sáp nhập nhưng vẫn được gìn giữ qua cách đặt tên ghép, hay qua tên xóm, thôn trong xã mới. Điển hình như các xã Vũ Bản, An Ninh và Bồ Đề sau khi sáp nhập lại được dự kiến đặt tên là xã Bình Giang. Hay như xã Bình An (một xã mới được thành lập từ 3 xã Bối Cầu, An Nội và Hưng Công) sáp nhập với xã Trung Lương và Ngọc Lũ được giữ nguyên tên là Bình An. Còn thị trấn Bình Mỹ sáp nhập với La Sơn và Đồn Xá lấy tên là xã Bình Mỹ. Rồi, xã Bình Nghĩa sáp nhập với Đồng Du và Tràng An thành xã Bình Lục. Một cựu lãnh đạo huyện Bình Lục cho rằng, lấy tên Bình Giang cho 3 xã Vũ Bản, An Ninh và Bồ Đề hợp thành là bởi vùng đất này mang dấu tích văn hóa thời Trần, được nuôi dưỡng và che chở bởi hai con sông có tên trong lịch sử là sông Châu và sông Ninh. Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Cường, người có nhiều năm nghiên cứu về địa danh và lịch sử Hà Nam, nhận xét: Việc đặt tên xã mới ở Bình Lục lần này đã thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa truyền thống. Những cái tên như Bình Sơn, Bình An, Bình Lục, Bình Mỹ… đều chứa đựng những lớp nghĩa đẹp đẽ, giàu hình ảnh văn hóa và mang khát vọng của nhân dân.
Không phải ngẫu nhiên mà địa phương chọn cách giữ chữ “Bình” làm gốc. Đó là sự tiếp nối, là cách trân trọng di sản tinh thần đã được gây dựng qua nhiều thế hệ. Người dân từ Tiêu Động, An Đổ, An Lão khi gọi tên “Bình Sơn” vẫn thấy trong đó bóng dáng làng xưa. Người Vũ Bản, Bồ Đề, An Ninh khi nói “Bình Giang” cũng nghe thấy tiếng trống đồng, tiếng chuông chùa thuở trước. Những lớp trầm tích ấy được nâng niu, gìn giữ trong chính lựa chọn tưởng như hành chính thuần túy.
Không thể không nhắc đến những di sản vật thể và phi vật thể góp phần làm nên hồn cốt vùng đất. Khánh đá chùa Điều ở Vũ Bản, Trống đồng Vũ Bản – hiện vật độc bản với hoa văn nhà sàn, thuyền chiến, chim muông, hay những địa danh như: làng Chủ, làng Vọc, Cát Tường... đều là những mảnh ghép sống động của lịch sử. Trong bài thơ “Tiếng làng” của nhà báo Hải Đường có câu: “Người quê tiếng đục tiếng khàn/ Gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương...”, đủ để hiểu tên làng, tên xã quan trọng thế nào trong tâm thức người dân. Chính vì vậy, chọn tên mới cho xã hôm nay là việc làm không thể tùy tiện.
Bình Lục chọn cách giữ chữ “Bình”, như giữ lại nhịp tim của cả vùng đất – nhịp tim từng rung lên trong tiếng trống khởi nghĩa năm 1930 ở đình Bỉnh Trung, trong lời dạy của Bác Hồ ở Cát Tường, trong những nếp nhà ngói đỏ nhấp nhô ở xóm làng Ngọc Lũ. “Bình” không chỉ là hòa bình, là yên lành mà còn là sự vững chãi, là điểm tựa tinh thần. Khi đặt tên xã là Bình An, Bình Mỹ..., chính quyền địa phương không chỉ mong muốn một danh xưng đẹp mà còn gửi gắm kỳ vọng vào tương lai. Một tương lai nơi người dân dù ở An Đổ hay Đồn Xá, Trung Lương hay Ngọc Lũ, vẫn có thể gọi chung một cái tên và cùng chung một cảm thức về quê hương. Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Cường khẳng định: Tên gọi của xã không chỉ là sự nhận diện hành chính. Nó là linh hồn của đất, là máu thịt của người. Khi cái tên được cân nhắc với tất cả lòng yêu mến, trân trọng ký ức và niềm tin vào tương lai, thì người dân sẽ thêm gắn bó với quê hương mình.
Bình Lục đã chọn những cái tên mới vừa gợi nhắc quá khứ, vừa mở ra cánh cửa tương lai. Với người dân Bình Lục, mỗi cái tên mới, dù chỉ là hai tiếng ngắn gọn nhưng lại chứa đựng cả một trường văn hóa sâu rộng.