Bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên mới
Qua gần 80 năm, các thế hệ người Việt đã kế thừa, phát triển và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Văn hóa không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, mà còn là ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Sức mạnh mềm”…
Trung tuần tháng 11/2024, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Các nhà quản lý, giới chuyên gia và các nhà khoa học khẳng định bước vào kỷ nguyên mới là sự phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của Việt Nam và xu thế thời đại.
Các ý kiến tham luận đã đề cập đến yêu cầu triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực, nhấn mạnh một số trọng tâm, trong đó có vấn đề bản sắc văn hóa, gìn giữ và phát triển văn hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình và nỗ lực hiện đại hóa, văn hóa đóng vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột chính để phát triển xã hội bền vững.
Năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2021 nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Qua gần 80 năm, các thế hệ người Việt đã kế thừa, phát triển và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không ngừng sáng tạo nhu cầu văn hóa mới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, từng bước phát triển.
Ngày nay, thế giới đề cập nhiều đến thuật ngữ “sức mạnh mềm” của văn hóa. Bởi vậy, mọi quốc gia đều xây dựng chiến lược quảng bá văn hóa. Văn hóa trở thành ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng lớn mang tính sống – còn trong sự phát triển chung của một quốc gia.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu để khẳng định vị thế và bản sắc trong kỷ nguyên mới. Văn hóa không chỉ đơn thuần là các hình thức nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán mà là tổng hòa các giá trị tinh thần, đạo đức, ứng xử, tư duy của người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
“Khi toàn cầu hóa không còn giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng trao đổi văn hóa, thì sức mạnh mềm từ văn hóa trở thành cầu nối. Qua văn hóa, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người, lịch sử và truyền thống Việt Nam. Điều này tạo sự đồng cảm, xóa bỏ khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý và giúp tạo thiện cảm đối với Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, văn hóa ngoài vai trò “sức mạnh mềm” trong ngoại giao thì còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Sản phẩm văn hóa mang lại giá trị kinh tế lớn thông qua các ngành công nghiệp, như: Du lịch văn hóa, điện ảnh, xuất bản, âm nhạc... đang được chú trọng phát triển vươn ra thị trường quốc tế.
Giữ gìn bản sắc để phát huy sức mạnh
Theo giới nghiên cứu, bản sắc văn hóa không chỉ là đặc trưng mà còn là “căn cước” dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt phải do người Việt tạo ra. Những phong tục tập quán, lễ hội hay cách ứng xử là tiền đề, là nền móng của văn hóa cổ truyền. Cùng với đó, di sản vật thể hay phi vật thể đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc giữ vai trò là cầu nối phát huy giá trị văn hóa.
Bản sắc văn hóa được xem là “tấm vé” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bởi vậy, song hành với quá trình vươn mình, phải xác định gìn giữ văn hóa truyền thống – giống như bồi đắp nền móng vững chắc. Đây cũng là thực tế đáng lo, khi giới trẻ hiện nay ít hiểu biết và ít quan tâm đến văn hóa.
Tại Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” diễn ra vào ngày 14/12 tại Hoàng thành Thăng Long, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL khẳng định: “Gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quá trình này củng cố niềm tin và giao phó cho chúng ta trách nhiệm lớn lao để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới”.
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Di sản văn hóa đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao, đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Khi bước vào kỷ nguyên mới, bản sắc văn hóa trở thành một trong những yếu tố quyết định để khẳng định vị thế dân tộc. Việc đầu tư vào văn hóa không chỉ dừng lại ở những giá trị truyền thống mà còn mở rộng ra những lĩnh vực sáng tạo, hiện đại. Từ đó tạo ra nền tảng vững chắc, sức mạnh sống động, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Để văn hóa thực sự phát huy vai trò ‘sức mạnh mềm’ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần đẩy mạnh giáo dục văn hóa, xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số cho văn hóa. Để văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển, sự đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là điều kiện thiết yếu. Xây dựng nền tảng chính sách mạnh mẽ, khuyến khích sáng tạo và ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn di sản là những giải pháp chiến lược giúp văn hóa có thể tiếp tục vươn xa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.