Bán ròng kỷ lục hơn 3,6 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn ngoại sẽ tích cực hơn trong năm 2025?

Xác lập kỷ lục mới với giá trị bán ròng lên tới hơn 92.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,6 tỷ USD, trong đó có hàng loạt mã bluechip bị bán ròng hàng nghìn tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2024...

Nhìn lại xu hướng chung của thị trường, sau năm lao dốc mạnh mẽ trong năm 2022, chỉ số VN-Index đã duy trì tốc độ tăng trong 2 năm liên tiếp. Cụ thể, VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 12,1% trong năm 2024, xấp xỉ mức tăng 12,2% của năm 2023, kết thúc phiên cuối cùng ngày 31/12/2024 tại mốc 1.266,78 điểm.

Mặc dù VN-Index xác định đỉnh của năm qua vào giữa tháng 6 khi vừa chớm vượt mốc 1.300 điểm, nhưng diễn biến chỉ số nhìn chung trong năm qua tịnh tiến không đều và đà hồi phục diễn ra tốt nhất trong quý I rồi chuyển qua trạng thái giằng co nhẹ trong suốt quá trình còn lại của năm.

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng có sự đồng pha, với thanh khoản trong quý I/2024 là sôi động nhất khi hầu hết các phiên đều đạt tổng giá trị giao dịch trên 20.000 tỷ đồng, còn quý IV/2024 là thấp nhất khi mức trung bình chưa tới 15.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chung vẫn giữ được xu hướng khởi sắc, thì thị trường lại chứng kiến dòng vốn ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi đà rút ròng diễn ra với cường độ mạnh, liên tục trong các tháng và đã xác lập năm bán ròng kỷ lục cả khối lượng và giá trị bán ròng.

Tính chung cả năm 2024, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 11 tháng và chỉ mua ròng duy nhất trong tháng 1. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 3,12 tỷ cổ phiếu, với tổng giá trị bán ròng đạt 92.294 tỷ đồng, tương đương hơn 3,6 tỷ USD, gấp gần 4 lần cả về lượng và giá trị so với năm 2023. Đặc biệt, nếu so với năm kỷ lục được xác lập trước đó vào năm 2021 với giá trị bán ròng 1,53 tỷ cổ phiếu, giá trị 62.237 tỷ đồng, thì năm vừa qua, con số này đã gấp đôi về lượng và tăng gần 50% về giá trị.

Tổng hợp giao dịch NĐTNN trên cả 3 sàn trong năm qua

Trong đó, danh mục bán ròng mạnh tập trung khá nhiều những cổ phiếu có thị giá cao hoặc bluechip. Đặc biệt là cổ phiếu VHM bị bán ròng tới gần 470 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt hơn 19.115 tỷ đồng, gần bằng tổng giá bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2023 (bán ròng 23.443 tỷ đồng).

Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu ngân hàng VIB bị bán ròng xấp xỉ 460 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 8.264 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt mã bluechip khác bị bán ròng hàng nghìn tỷ đồng, gồm FPT đạt hơn 6.382 tỷ đồng, MSN đạt gần 6.054 tỷ đồng, VRE đạt gần 5.928 tỷ đồng, HPG đạt gần 4.942 tỷ đồng, VPB đạt hơn 4.360 tỷ đồng…

Ngược lại, danh mục mua ròng mạnh nhất nhất trên sàn HOSE không có mã nào đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, SBT dẫn đầu với khối lượng mua ròng đạt 69,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt gần 910 tỷ đồng.

Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu trên UPCoM lại được mua ròng mạnh hơn và giao dịch chủ yếu thực hiện theo phương thức thỏa thuận, bao gồm BHI được mua ròng hơn 1.628 tỷ đồng và AIC được mua ròng gần 1.263 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế đóng vai trò bệ đỡ, cùng câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia chứng khoán đã có những dự báo tích cực hơn về dòng vốn ngoại.

Theo VCBS dự báo, xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn có thể diễn ra, song ở mức thấp hơn so với 2024, với ước tính đạt 450 tỷ đồng/phiên. Với việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng tiền ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý III/2025 (trước thềm nâng hạng).

Còn theo dự báo của WB, nếu được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động. Đối với các quỹ đầu tư thụ động như ETF (vốn đang đầu tư vào các thị trường mới nổi), tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam có thể chiếm 0,7 - 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào Việt Nam ước đạt 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động dự kiến sẽ tăng 4 - 5 lần so với hiện tại, khi Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng và an toàn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, vấn đề nâng hạng hiện vẫn còn một số vướng mắc như tỷ lệ sở hữu nước ngoài cần nhiều thời gian hơn để đánh giá lại…, hay việc KRX vận hành được trong năm 2025 hay không còn chưa chắc chắn, do đó, nếu kỳ vọng điều này sớm quá mà không thực hiện được, thì khả năng thị trường sẽ sụt giảm và giao dịch thị trường chung cũng như nhà đầu tư ngoại chưa thể bùng nổ.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ban-rong-ky-luc-hon-36-ty-usd-trong-nam-2024-dong-von-ngoai-se-tich-cuc-hon-trong-nam-2025-post360980.html
Zalo