TikTok giải bài toán bản quyền âm nhạc như thế nào?

TikTok làm thay đổi cách tiếp cận âm nhạc, nhưng cũng đặt ra thách thức bản quyền, cần kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo.

TikTok thông báo video bị tắt tiếng bởi lý do bản quyền. Ảnh Internet

TikTok thông báo video bị tắt tiếng bởi lý do bản quyền. Ảnh Internet

Vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc và cơ chế kiểm soát của TikTok

TikTok hiện là một trong những nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh nhất với hàng triệu video được người dùng đăng tải mỗi ngày. Trong đó, phần lớn video đều sử dụng âm nhạc từ những bản hit quốc tế cho đến những ca khúc độc lập.

Tuy nhiên, nhiều người dùng không có ý thức hoặc không nắm rõ về quy định bản quyền, dẫn đến việc sử dụng các đoạn nhạc mà không được sự cho phép của chủ sở hữu.

Điều này không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ tại nhiều quốc gia, mà còn tạo ra rủi ro pháp lý nghiêm trọng cho cả người dùng, các nhà sáng tạo nội dung và cả chính TikTok.

Vi phạm bản quyền âm nhạc có thể khiến nền tảng bị kiện tụng, người dùng bị khóa tài khoản hoặc buộc phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tác phẩm.

Để đối phó với vấn đề ngày càng phức tạp này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết: “TikTok hiện áp dụng hai hình thức quản lý nội dung âm nhạc, gồm kho âm thanh thương mại mà TikTok đã ký kết bản quyền và âm thanh do người dùng tự tạo ra, quy định rõ ràng trách nhiệm về mặt pháp lý thuộc về người đăng tải. Ngoài ra, TikTok cung cấp công cụ 'report' trong menu của mỗi video để cộng đồng có thể chủ động báo cáo những nội dung nghi ngờ vi phạm bản quyền”.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam.

Ngoài công cụ về kỹ thuật, TikTok có đội ngũ kiểm duyệt nội dung là những người hiểu biết về văn hóa, pháp luật và chính sách của từng quốc gia để đảm bảo rằng các quyết định xử lý nội dung vi phạm là phù hợp và công bằng.

Sự phối hợp giữa Nhà nước và các nền tảng công nghệ

Không chỉ dừng lại ở các giải pháp nội bộ của nền tảng, việc bảo vệ bản quyền âm nhạc đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng sáng tạo.

Trong sự kiện kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), ông Lê Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: “Trong thời đại số, việc sao chép và khai thác trái phép sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số diễn ra rất dễ dàng, đòi hỏi một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả và phù hợp để ngăn chặn”.

Cục cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức quốc tế để nâng cao nhận thức cộng đồng về bản quyền và quyền tác giả. Hỗ trợ doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu trong việc bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Xây dựng hệ thống pháp lý linh hoạt, đủ sức răn đe và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã chủ động phát triển giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ bản quyền.

Là đơn vị làm chủ công nghệ trong lĩnh vực media (âm thanh, hình ảnh và video), ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia đã đưa ra bốn nhóm giải pháp mà đơn vị đang triển khai nhằm tăng cường bảo vệ bản quyền nội dung số. Cụ thể, gồm: thứ nhất, mã hóa nội dung số để ngăn chặn việc sao chép trái phép; thứ hai, chống quay phát lại nhằm tránh hiện tượng "lách luật"; thứ ba, gắn mã audio watermark vào âm thanh để truy vết và xác định quyền sở hữu; và cuối cùng, tạo “khiên bảo vệ” nhằm duy trì lớp bảo mật khi các biện pháp khác bị vô hiệu hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia. Ảnh: Internet

Các giải pháp công nghệ này nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp các nền tảng như TikTok chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm.

Quan trọng hơn cả việc ngăn chặn là làm sao để biến bảo vệ bản quyền thành động lực phát triển ngành công nghiệp sáng tạo âm nhạc.

Trong buổi tọa đàm do Cục Bản quyền tác giả tổ chức vào ngày 21/4, TikTok và hơn 50 công ty Agency của TikTok đã đặt vấn đề: nếu không bảo vệ bản quyền nghiêm túc, ai sẽ dám đầu tư vào sáng tác? Ai sẽ dám dấn thân vào con đường nghệ thuật?

Chỉ khi quyền lợi của người sáng tác được đảm bảo, chúng ta mới có thể tạo môi trường bền vững cho các nhạc sĩ mới gia nhập thị trường; thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực âm nhạc; tạo thêm việc làm cho các ca sĩ, nhà sản xuất, biểu diễn và mở rộng “miếng bánh” thị trường âm nhạc để mọi bên cùng có lợi.

Nếu không có sự phát triển này, ngành âm nhạc sẽ mãi bị giằng co trong một “tấm chăn hẹp”, nơi bên này được thì bên kia mất.

TikTok là biểu tượng cho xu thế giải trí thời đại số, nhưng sự thành công ấy chỉ bền vững khi được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo vệ bản quyền âm nhạc không chỉ là trách nhiệm của TikTok hay các cơ quan chức năng, mà còn là ý thức của từng người dùng, từng nghệ sĩ, từng nhà sáng tạo nội dung.

Khi tất cả cùng nhận thức và hành động đúng đắn, chúng ta không chỉ bảo vệ được quyền lợi cá nhân mà còn cùng nhau phát triển một nền công nghiệp âm nhạc sáng tạo, bền vững và đầy tiềm năng trong tương lai.

Hạ Thương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiktok-giai-bai-toan-ban-quyen-am-nhac-nhu-the-nao-2397843.html
Zalo