Ban ngày làm công nhân, tối về dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo

Ban ngày, anh Khánh đi làm công nhân, tối về làm thầy giáo dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn suốt 14 năm.

Sau một ngày dài làm công ở xưởng, anh Hoàng Trọng Khánh (43 tuổi, phường Phước Long B, TP Thủ Đức) công nhân tại Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (TP Thủ Đức) vội vã về nhà để dạy học.

Lớp học miễn phí này là tâm huyết của anh Khánh dành cho những em nhỏ ở TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập còn hạn chế.

 Các em ở lớp học miễn phí chăm chú nghe anh Khánh giảng bài. Ảnh: NHẬT TRUNG

Các em ở lớp học miễn phí chăm chú nghe anh Khánh giảng bài. Ảnh: NHẬT TRUNG

Khao khát tình yêu mẹ

Lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi nước ngoài làm ăn xa từ khi còn nhỏ, anh Khánh luôn khao khát tình yêu mẹ. Năm 2020, mẹ anh mất trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và ba anh cũng mới mất năm 2023.

Anh Khánh cho biết mẹ chính là người khơi gợi trong anh ý tưởng mở lớp dạy học miễn phí và giúp đỡ mọi người xung quanh mình.

Nhớ lại những lúc giận mẹ vì mẹ đi làm xa, anh Khánh dằn vặt bản thân: “Tại sao mình tử tế với người lạ nhưng lại không một lần tử tế được với mẹ”. Anh mong muốn được nói với mẹ: “Những gì mẹ làm, những gì mẹ dạy lúc con chưa hiểu cuộc đời, giờ con hiểu rồi con sẽ cố gắng làm thay mẹ”.

Anh Khánh kể, 14 năm về trước, khu vực anh sống còn hoang sơ, đường đầy đất đỏ và cỏ dại khắp nơi. Thấy nhiều trẻ em trong khu vực không có điều kiện đi học, anh bắt đầu dạy kèm cho bốn chị em nhà hàng xóm. Ban đầu chỉ là những buổi học thêm nhỏ, dần dần lớp đông hơn.

Trong suốt thời gian hoạt động lớp học, anh Khánh luôn hướng tới một mục tiêu duy nhất, đó là giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

“Hồi trước, tôi học không giỏi, đôi khi bị bạn bè châm chọc. Ban đầu mở lớp, vì thiếu kỹ năng sư phạm nên tôi gặp khó khăn trong việc giảng, giải bài tập, nhưng tôi luôn cố gắng tìm cách giải quyết. Năm 2010, chưa có smartphone để tra cứu online, tôi liên lạc trực tiếp với các thầy cô giáo để hỏi bài giảng và sau đó dạy lại cho các em” - anh Khánh kể.

Lớp học miễn phí của anh Hoàng Trọng Khánh. Video: HẢI NHI

Dù khó vẫn không bỏ cuộc

Nói về cách để đảm đương cả hai công việc, anh Khánh bộc bạch: “Sinh ra có hoàn cảnh khó khăn nên tôi luôn nỗ lực học cách cân bằng, làm tốt cả hai công việc, hạn chế xảy ra sai sót đối với công việc ở công ty”.

Nhưng rồi khó khăn cũng ập đến khi anh Khánh phát hiện mình bị tràn khí màng phổi. Những cơn đau ngực quằn quại, ho và khó thở thường xuyên hành hạ, thay vì lo lắng cho sức khỏe, anh Khánh lại lo rằng mình không thể dạy được nữa. Anh nhớ mãi lời khuyên của quản lý công ty: “Nếu em chọn dạy học thì nghỉ làm, đi làm thì nghỉ dạy cho đỡ khổ".

May mắn thay, sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe anh Khánh tiến triển tốt. “Ông trời cho tôi hồi phục nhanh, lòng tôi lại thao thức về việc dạy học. Tôi nghe đâu chị quản lý công ty thường hỏi thăm đồng nghiệp xem tôi còn dạy không, thỉnh thoảng còn nhắn với tổ trưởng xin cho tôi được làm nhẹ việc lại” - anh Khánh xúc động kể.

Ban đầu, anh dạy trong các không gian tạm bợ như lều dựng, tiệm tạp hóa, uốn tóc. Trời mưa phải mượn chỗ chủ nhà, di chuyển nhiều thì lớp học mới được duy trì. Đến năm 2018, lớp học may mắn chỉn chu hơn nhờ phụ huynh đứng ra hỗ trợ anh Khánh thuê một căn nhà.

 Không chỉ dạy kiến thức trên sách vở mà anh Khánh còn dạy các em bài học về sống. Ảnh: NHẬT TRUNG

Không chỉ dạy kiến thức trên sách vở mà anh Khánh còn dạy các em bài học về sống. Ảnh: NHẬT TRUNG

Nguyễn Quốc Anh (14 tuổi) đã học với anh Khánh được 3 năm, chia sẻ: “Chú Khánh dạy vui, dễ hiểu, không tạo áp lực cho em. Em thấy mình biết suy nghĩ hơn so với trước”.

Từng được anh Khánh dạy dỗ suốt 4 năm học cấp 2, Huỳnh Trúc Linh (24 tuổi, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức) cho biết dù học giỏi hay kém thì chú vẫn quan tâm đều, thương đều.

“Không chỉ dạy trong sách mà chú Khánh còn dạy cả những vấn đề đời thường, chú lồng câu chuyện vào bài học để không bị nhàm chán, vạch rõ hướng học tập, xử lý tình huống cho từng bạn trong lớp” - Linh nói.

Anh H.D (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức), phụ huynh cũng là đồng nghiệp của anh Khánh, cho biết: “Khánh rất hòa đồng, chịu khó và giúp đỡ anh em rất nhiều. Con tôi thích học chỗ anh Khánh vì anh hỗ trợ cháu tận tâm”.

 Anh Khánh được nhận bằng khen của Thành đoàn TP.HCM và của công ty về "Gương người tốt, việc tốt”. Ảnh: HẢI NHI

Anh Khánh được nhận bằng khen của Thành đoàn TP.HCM và của công ty về "Gương người tốt, việc tốt”. Ảnh: HẢI NHI

Cảm kích trước sự tận tâm của anh Khánh, chị Quỳnh Vân (phường Phước Bình, TP Thủ Đức), phụ huynh của một em học sinh trong lớp học bày tỏ: “Anh Khánh không chỉ dạy kiến thức mà còn tạo động lực, giúp bé vào khuôn khổ. Trước đây, bé ít tự giác, từ khi học ở đây, bé thay đổi nhiều lắm”.

Ở tuổi 43, làm lụng vất vả nhưng anh Khánh không có riêng cho mình một tài sản quý giá nào. Bởi không chỉ cho chữ, anh Khánh còn dành hết cho các em nhỏ sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người hàng xóm lâu năm cho biết anh Khánh lúc nào cũng lo lắng cho mọi người nên ai cũng quý mến.

“Tuổi này rồi nhưng chú ấy chưa lập gia đình. Tội lắm! Chú đi làm dành dụm được đồng nào là lo cho tụi nhỏ hết. Từ cái bánh, tập vở, cho đến chiếc xe điện, xe máy chú cũng mua cho tụi nhỏ. Cứ cuối tuần là nấu một bữa ăn cho tụi nhỏ, trứng gà thì cũng cho các em” - bà Hoa vừa thương vừa bực vì anh Khánh không lo gì cho bản thân mà chỉ lo cho các em.

Kể về anh Khánh, em Bùi Thanh Thảo (14 tuổi) xúc động chia sẻ: “Em chỉ có mỗi mình mẹ, mẹ làm thợ may nuôi hai anh em em. Thấy nhà em khó khăn, chú Khánh cho em học miễn phí, lại còn cho em chiếc xe điện nữa. Đây là món quà quý giá nhất mà em từng được nhận”.

Tương tự, Triệu Thị Anh Thư (25 tuổi, phường Phước Long B, TP Thủ Đức) từng học anh Khánh suốt 4 năm cấp 2. Hiện tại, dù đã có công việc ổn định nhưng Thư vẫn luôn giữ liên lạc với anh Khánh.

“Trừ ba mẹ tôi, chưa ai rộng lượng và bao dung với tôi nhiều như chú. Tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ công ơn của chú” - Thư tâm sự.

Tấm gương sáng về tinh thần cống hiến

Chị Bùi Thanh Hậu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie bày tỏ: “Khánh luôn là tấm gương sáng về tinh thần làm việc và sự cống hiến ở công ty chúng tôi. Khánh không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn luôn giúp đỡ đồng nghiệp và con cháu của đồng nghiệp”.

Bà Võ Thùy Anh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, phường Phước Long B, cho biết bà luôn theo dõi lớp học của anh Khánh.

“Khánh là người rất có tâm, đáng trân quý. Phường đã đề xuất Khánh nhận Bằng khen Thành đoàn TP.HCM, ghi nhận tấm gương thầm lặng. Một số học sinh trong lớp học của Khánh đã được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ nhiều năm liền” - bà Thùy Anh nói.

Cũng theo bà Thùy Anh, phường luôn tạo điều kiện hỗ trợ dụng cụ học tập, hàng năm cùng động viên tinh thần trao tặng cặp, tập, viết... tuy không nhiều nhưng đủ ấm lòng phụ huynh.

Hiện tại, UBMTTQ Việt Nam, phường Phước Long B đang khảo sát hoàn cảnh 27 học sinh trong lớp học của Khánh để xem xét và trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ năm học 2024-2025.

HẢI NHI - MINH THƯ - NHẬT TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-ngay-lam-cong-nhan-toi-ve-day-hoc-mien-phi-cho-tre-em-ngheo-post806220.html
Zalo