Bản lĩnh người lính

Tháng 3/1967, ở tuổi 21, ông Dư rời xa quê hương, chính thức lên đường nhập ngũ. Chỉ hơn 1 năm sau, ông bị bắt và trải qua chuỗi ngày như 'địa ngục trần gian'.

Bản hùng ca của máu và nước mắt

Năm 1967, trong một đêm trằn trọc không ngủ, ông Lê Đình Dư (sinh năm 1946, Thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) – người lính từng trở về từ trại giam Phú Quốc – đã viết tâm thư bày tỏ nguyện vọng được nhập ngũ, cống hiến cho Tổ quốc.

Tháng 3/1967, ông Dư chính thức lên đường, gia nhập Tiểu đoàn Lam Sơn, Tỉnh đội Thanh Hóa. Đến tháng 11 cùng năm, đơn vị ông được điều động vào chiến đấu tại Quảng Đà.

Ông Lê Đình Dư vẫn còn bồi hồi, đan xe nhiều cảm xúc mỗi khi nhớ lại những năm tháng tham gia chiến đấu.

Ông Lê Đình Dư vẫn còn bồi hồi, đan xe nhiều cảm xúc mỗi khi nhớ lại những năm tháng tham gia chiến đấu.

Ông từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt, đặc biệt là trong Tết Mậu Thân 1968, đơn vị ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà vẫn bảo toàn lực lượng.

Tháng 8/1968, trong một trận đánh bảo vệ cầu Đỏ (Hòa Vang, Quảng Đà – nay là Tp.Đà Nẵng), ông bị thương và rơi vào tay địch. Sau khi bị bịt mắt, ông bị chở bằng trực thăng về trại giam Đà Nẵng, bắt đầu chuỗi ngày đọa đày như "địa ngục trần gian".

Ông kể: "Mỗi ngày chúng hỏi cung từ 10 đến 40 lần. Không khai thác được gì, chúng chuyển sang tra tấn: dùng kim đâm vào mười đầu ngón tay, quấn bông tẩm xăng đốt đến khi tôi bất tỉnh, rồi dội nước lạnh, nhấn đầu vào thùng nước để tiếp tục tra khảo".

Ông không nhớ nổi bao lần bị đánh đập đến kiệt sức bằng roi điện, dùi cui, roi da. Khi đòn tra tấn không hiệu quả, chúng chuyển sang dụ dỗ, mua chuộc. Nhưng suốt thời gian bị giam, ông Lê Đình Dư chỉ khai một câu duy nhất: "Tôi chỉ là cấp dưỡng". Tháng 9/1968, sau thời gian dài không khai thác được gì, ông cùng các đồng đội bị đưa ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc.

Lấy máu xương nuôi ý chí cách mạng

Trong gần 5 năm bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc, ông Lê Đình Dư cùng các đồng đội đã phải chịu đựng hàng trăm kiểu tra tấn man rợ, đẫm máu. Dù thân thể bị giày vò, tinh thần họ chưa bao giờ khuất phục. Với lòng kiên định, các chiến sĩ vẫn âm thầm thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: đòi quyền dân sinh và dân chủ cho tù binh.

Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất nhà nước trao tặng cho ông Lê Đình Dư.

Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất nhà nước trao tặng cho ông Lê Đình Dư.

"Có những lúc chúng dùng cả súng đại liên bắn thẳng vào trại giam, khiến hàng trăm người hy sinh. Nhìn đồng đội ngã xuống, lòng căm thù lại bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết", ông Dư nghẹn ngào nhớ lại. Những cuộc đấu tranh quyết liệt bắt đầu: anh em tuyệt thực, mỗi bữa chỉ ăn vài hạt gạo rang, uống nước lã cầm hơi. Nhiều người sẵn sàng hi sinh để thắp lửa cho tinh thần chiến đấu trong ngục.

Khi cần 2 người hành động, đã có đến 12 người xung phong. Cuối cùng phải rút thăm. Hai người được chọn là anh Lê Bá Giao (bí danh Phạm Văn Bình, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và Trần Nguyên Mạnh (bí danh Trần Văn Nanh, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa). Cả hai sinh hoạt tại phòng số 6, đã dùng dao mổ bụng để phản đối, mở đầu cho chuỗi đấu tranh đòi quyền sống của tù binh.

Từ sau cuộc đấu tranh đó, tù binh bắt đầu được tự nấu ăn, đào giếng lấy nước, tổ chức học văn hóa. Nhưng việc học là để tuyên truyền cách mạng, bàn kế hoạch đấu tranh và... vượt ngục. "Ban đêm, chúng tôi thay phiên nhau đào hầm xuyên qua hàng rào thép gai bằng những chiếc thìa sắt. Mất nhiều tháng trời mới hoàn thành. Kết quả, 41 người đã vượt ngục thành công và quay lại chiến trường tiếp tục cầm súng. Một nửa thoát qua đường hầm, nửa còn lại ẩn mình trong các thùng phi đựng phân để vượt trại", ông Dư xúc động kể.

Ông Lê Đình Dư kể, trong tù, mọi hoạt động đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng, trở thành nghị quyết chung để anh em cùng thực hiện. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tinh thần tổ chức, kỷ luật vẫn luôn hiện hữu nơi những người lính cách mạng.

Ngày 12/2/1973, theo tinh thần của Hiệp định Paris, sau gần 5 năm bị giam cầm tại "địa ngục trần gian" Phú Quốc, ông cùng nhiều chiến sĩ Phân khu C được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn. Đợt trao trả đầu tiên ấy là khoảnh khắc lịch sử mà ông không thể nào quên.

Ngay sau đó, ông được Đảng và Nhà nước đưa về an dưỡng, điều trị tại Thị trấn Móng Cái (nay là TP.Móng Cái, Quảng Ninh). Sau thời gian hồi phục, ông tiếp tục công tác tại Trung đoàn 247, tỉnh Quảng Ninh, vừa huấn luyện chiến sĩ mới, vừa làm kinh tế. Đến tháng 9/1976, ông xuất ngũ và trở về quê hương.

Ngày trở về, cả gia đình vỡ òa trong xúc động. Bà con hàng xóm kéo đến thăm chật kín sân nhà. Có những cụ già ngoài 90 tuổi cũng lặng lẽ chống gậy đến, ôm chầm lấy ông mà khóc.

Dù hậu quả chiến tranh vẫn dai dẳng, những cơn ho, khó thở, những cơn đau triền miên do di chứng tra tấn nhưng ông vẫn luôn biết ơn vì đã được sống, được trở về.

Nhà nước trao tặng cho ông Lê Đình Dư Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Nhà nước trao tặng cho ông Lê Đình Dư Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Trong căn nhà nhỏ, ông trân trọng bày biện những phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Nhưng với ông, tấm huân chương quý giá nhất chính là tình đồng chí, đồng đội - thứ tình cảm thiêng liêng mà suốt đời ông không bao giờ quên.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thị trấn Tân Phú, ông Nguyễn Đăng Thường, nhận xét: "Đồng chí Lê Đình Dư là một cựu chiến binh tiêu biểu, người lính kiên trung đã trải qua những năm tháng khốc liệt trong nhà tù Phú Quốc mà không khuất phục. Về với đời thường, đồng chí tiếp tục giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống gương mẫu, tích cực tham gia công tác Hội. Chúng tôi luôn xem đồng chí là tấm gương sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau".

Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc - là minh chứng rõ nét cho tội ác chiến tranh nhưng cũng là nơi thắp sáng ngọn lửa của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng. Nơi đây khắc họa rõ nét hình ảnh những con người anh dũng, góp phần làm rạng rỡ thêm những trang sử hào hùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phú, ông Hoàng Đại Hiệu, chia sẻ: "Đồng chí Lê Đình Dư là hiện thân sống động của lòng dũng cảm, kiên trung và tinh thần yêu nước bất khuất. Dù mang trong mình những vết tích khốc liệt của chiến tranh, đồng chí vẫn luôn giữ trọn khí phách của người chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi trân trọng và cảm phục sâu sắc những hi sinh, đóng góp to lớn ấy. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo".

50 năm đã trôi qua nhưng những công lao to lớn của lớp người đi trước chưa bao giờ bị lãng quên. Hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của biết bao cha anh. Những người trở về từ "địa ngục trần gian" không chỉ sống sót mà còn tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Trại giam Phú Quốc ngày nay không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là "địa chỉ đỏ" – nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ. Bản hùng ca giữa trùng khơi ấy vẫn vang vọng, tiếp tục truyền cảm hứng cho mỗi trái tim người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-linh-nguoi-linh-204250204092742686.htm
Zalo