Afghanistan tham gia Hành lang CPEC với Trung Quốc và Pakistan
Động thái này được là bước đi chiến lược nhằm củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh và Islamabad tại nước láng giềng Afghanistan trong giai đoạn mới.
Ngày 21/5, Trung Quốc, Pakistan và chính quyền Taliban tại Afghanistan đã ra tuyên bố chung xác nhận kế hoạch chính thức mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) tới lãnh thổ Afghanistan. Đây là kết quả đạt được sau cuộc họp ba bên diễn ra tại Bắc Kinh giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền lâm thời Afghanistan Amir Khan Muttaqi.
Trong tuyên bố chung, các bên khẳng định hợp tác 3 chiều là nền tảng quan trọng, thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực và duy trì ổn định an ninh xuyên biên giới. Các lĩnh vực hợp tác cụ thể được đề cập bao gồm thúc đẩy thương mại song phương và khu vực, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kết nối giao thông, củng cố cơ chế đối thoại đa phương và hợp tác chống khủng bố.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Pakistan và chính quyền Taliban của Afghanistan hội đàm tại Bắc Kinh ngày 21/5 - Ảnh: X
Cũng theo tuyên bố, ba nước nhất trí tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ba bên lần thứ 6 tại Thủ đô Kabul của Afghanistan trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh đối thoại và xúc tiến triển khai các dự án cụ thể trên thực địa.
Phát biểu trên mạng xã hội X, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar gọi đây là “một bước tiến quan trọng vì hòa bình, ổn định và phát triển”. Ông cũng ca ngợi chuyến thăm này là thành công, củng cố thêm hình ảnh tình hữu nghị sắt đá giữa Islamabad và Bắc Kinh.
CPEC hiện là một dự án trọng điểm trị giá hơn 60 tỷ USD, kết nối tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với cảng Gwadar ở miền Nam Pakistan. Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng dự án này sang Afghanistan, quốc gia có vị trí địa chiến lược nằm giữa Nam và Trung Á, không chỉ giúp Trung Quốc tiến sâu hơn vào khu vực Tây Nam Á mà còn củng cố vai trò trung tâm kết nối của Pakistan.
Giới phân tích đánh giá, động thái này là một đòn chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Afghanistan. Trong bối cảnh chính quyền Taliban đang tìm kiếm sự công nhận quốc tế, việc gia nhập CPEC không chỉ mang lại nguồn lực kinh tế mà còn tạo thêm tính chính danh cho chính quyền Taliban thông qua hợp tác với hai quốc gia ở khu vực.