Bản hùng ca tuổi trẻ
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, hàng nghìn sinh viên, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) đã gác lại sách vở, khoác lên mình màu áo lính, lên đường chiến đấu. Họ mang theo tri thức, biến sức sáng tạo thành vũ khí, viết nên những trang sử hào hùng. Phong trào 'Xếp bút nghiên lên đường ra trận' không chỉ là biểu tượng cho lòng yêu nước của lớp người trẻ tuổi mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tổ quốc gọi, thanh niên lên đường!
Tháng Tư về, lòng người bồi hồi theo nhịp đập của lịch sử. Giữa không khí rộn ràng mừng ngày thống nhất, dường như vẫn vang vọng đâu đây khí thế thời thanh niên sôi nổi của những sinh viên Bách khoa năm nào xếp lại bút nghiên, hòa vào đoàn quân ra trận, mang theo niềm tin kiêu hãnh: Tổ quốc gọi, thanh niên lên đường!
“Thanh niên lên đường khi ấy là lẽ tự nhiên, như máu chảy về tim”, ông Phạm Gia Nghi, một trong những sinh viên Bách khoa thế hệ đầu tiên ra trận, xúc động nhớ lại. Trong ký ức của ông, những giai điệu từ bài "Tâm tình người thủy thủ" của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Nếu có những chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách, gian lao, có lẽ nào xứng với tình em” không chỉ là lời ca mà như lời giục giã bao trái tim tuổi trẻ rời giảng đường ra trận, mang theo cả lý tưởng và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.
Buổi trưa hè năm 1965, một nửa số sinh viên khóa 6 của trường (300 sinh viên), thuộc các khoa: Cơ khí-Luyện kim, Xây dựng, Hóa, Điện và Điện tử hồ hởi hòa cùng 300 kỹ sư, cử nhân của Trường Đại học Nông nghiệp và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuẩn bị lên đường nhập ngũ. “Đại đội tôi hành quân qua cầu Long Biên. Mối duyên đưa chúng tôi hành quân qua cây cầu lịch sử như dự báo, hứa hẹn thế hệ chúng tôi sẽ đi tiếp con đường làm nên những chiến công quả cảm của thanh niên Hà Nội xưa”, ông Phạm Gia Nghi tự hào kể.

Các thế hệ cán bộ và sinh viên Bách khoa trước Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc”.
Hoàn thành khóa đào tạo, Thiếu úy Phạm Gia Nghi cùng 25 người thuộc “đại đội kỹ sư” được điều về Cục Quản lý xe (nay là Cục Xe máy-Vận tải, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật). Là một trong những kỹ sư được giao đương đầu với cuộc chiến tranh kỹ thuật hiện đại của giặc Mỹ, đồng chí Nghi tham gia nhiều nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của Quân đội, trong đó phải kể đến nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo chiếc “đèn rùa”, còn gọi là “đèn ngụy trang ánh sáng”, giúp xe ô tô vượt Trường Sơn mà máy bay Mỹ không phát hiện được trong suốt thời kỳ từ năm 1967 đến 1975. Công trình do ông làm chủ nhiệm đã đáp ứng nhiệm vụ chiến lược, góp phần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đưa khoa học và trí tuệ Việt Nam vào chiến trường Trường Sơn để bảo đảm vận tải quân sự chiến lược thông suốt, chi viện hiệu quả cho miền Nam.
Với chàng sinh viên năm thứ hai ngành luyện kim Nguyễn Đức Chiêu, đêm rời Hà Nội lên đường đi chiến đấu năm 1970 là một đêm nô nức, khí thế. Từng tốp sinh viên được đưa tới tập trung ở ga. Họ quen biết nhau nên chuyện trò, cười nói suốt đêm không ngủ dọc đường hành quân vào Thanh Hóa.
Sau khóa huấn luyện cơ bản, Nguyễn Đức Chiêu được phân về Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), làm trắc thủ góc tà. Cùng với trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền và trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, đều là sinh viên ngành luyện kim, các anh lập thành kíp chiến đấu. “Chúng tôi trực tiếp tham gia Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972. Những khó khăn, áp lực với các trắc thủ khi bắn máy bay hiện đại bậc nhất thời đó của Mỹ là phải tiết kiệm đạn. Ký ức trong tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh một màn lửa tóe lên, hai quả tên lửa rời bệ bay lên gặp mục tiêu nổ tốt, máy bay cháy rất to, sau đó rơi xuống trung tâm Hà Nội. Chúng tôi mở cửa ra ôm nhau, vỡ òa trong vui sướng. Đó là thời cơ duy nhất vì trên trận địa chỉ còn đúng một quả đạn”, ông Nguyễn Đức Chiêu kể về khoảnh khắc "pháo đài bay" B-52 của Mỹ bị kíp chiến đấu của ông hạ gục, rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Trắc thủ Nguyễn Đức Chiêu và đồng đội đã bắn hạ máy bay B-52 khi nó đang bay vào Hà Nội mà chưa kịp gây tội ác. Vì thế, Tiểu đoàn 72 của ông còn được mệnh danh là đơn vị “bắt sống máy bay B-52”.
Những năm chiến tranh ác liệt, khoảng 3.000 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những người lính đã mang theo “trí tuệ Bách khoa” vào các trận chiến đấu khốc liệt với những sáng kiến có thể coi là công trình khoa học, như: “Vạch nhiễu tìm thù”, bắn rơi "pháo đài bay" B-52; “Chọc mù mắt hung thần AC-130”; “Vô hiệu hóa tên lửa Shrike”...
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1971, chàng sinh viên Bách khoa Thái Văn Đỉnh lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Giữa mưa bom bão đạn, giữa bao lần sinh tử, những người lính-sinh viên vẫn một lòng đánh đổi máu và sinh mạng để giữ từng tấc đất. Gửi gắm đến thế hệ sinh viên Bách khoa hôm nay, Đại tá Thái Văn Đỉnh chia sẻ: “Làm gì cũng phải có đam mê, lòng quyết tâm và sự dũng cảm. Hãy luôn nuôi dưỡng đam mê và nhiệt huyết trong mọi hành động. Thành công trong khoa học kỹ thuật không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần một trái tim đầy cảm hứng, một tinh thần không ngại thử thách. Bước vào kỷ nguyên của công nghệ chuyển đổi, sinh viên Bách khoa cần giữ vững niềm tin, quyết tâm học hỏi và đổi mới để góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước”.
Nuôi dưỡng khát vọng cống hiến
Năm 2006, Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” được xây dựng trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến vì nền độc lập, tự do của đất nước và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sinh viên. Tạ Ngọc Minh, Phó bí thư Đoàn Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) tâm sự: “Em cảm nhận sâu sắc được tinh thần “xếp bút nghiên lên đường ra trận” của thế hệ đi trước, những người đã dũng cảm gác lại ước mơ học tập để bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử ấy truyền cho chúng em động lực mạnh mẽ để không ngừng rèn luyện, nâng cao tri thức và cống hiến hết mình, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của sinh viên Bách khoa Hà Nội”.
Nhấn mạnh ý nghĩa của hoạt động chào cờ và giáo dục truyền thống đối với sinh viên năm thứ nhất, TS Trương Công Tuấn, Bí thư Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Hoạt động chào cờ và giáo dục truyền thống đối với sinh viên năm thứ nhất nhằm giúp các em hiểu thêm về lịch sử hào hùng của nhà trường, đặc biệt là sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, sinh viên Bách khoa trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đoàn Thanh niên luôn mong muốn sinh viên Bách khoa sẽ tiếp nối truyền thống, không ngừng rèn luyện và vươn xa trên hành trình học tập, nghiên cứu, cống hiến. Lễ chào cờ không chỉ là một nghi thức mà còn là lời gợi nhắc về trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi sinh viên Bách khoa trong thời đại mới".
50 năm sau Ngày thống nhất non sông, những người lính-sinh viên năm nào vẫn tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ, những người đang viết tiếp giấc mơ về một Việt Nam hùng cường, bằng tri thức, bằng sáng tạo và bằng tinh thần “xếp bút nghiên lên đường” trong thời đại mới.