Bàn giải pháp phát triển thành phố thông minh, quản trị, điều hành linh hoạt trên dữ liệu
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thành phố thông minh chính là dữ liệu. Nhưng dữ liệu không chỉ cần 'đúng, đủ, sạch, sống' mà còn phải liên thông, và sự liên thông không chỉ ở cấp độ từng thành phố mà còn phải mở rộng ra cấp độ quốc gia.
Trong khuôn khổ Hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024” ngày 2/12, đã diễn ra Hội thảo “Thành phố thông minh: Quản trị, điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu”.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện đã có 54 địa phương tại Việt Nam triển khai các đề án liên quan đến đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế và hành chính. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các dự án đạt được mức tích hợp dữ liệu liên thông giữa các ngành, lĩnh vực. Đây là một thách thức lớn trong việc đảm bảo hiệu quả quản trị và vận hành đô thị thông minh (ĐTTM).
Thực tế cho thấy, mặc dù có sự đầu tư và quan tâm lớn, tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, dữ liệu hiện đang bị phân tán, thiếu sự đồng nhất và còn hạn chế trong việc phục vụ công tác ra quyết định. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của các đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) Hồ Đức Thắng khẳng định, lĩnh vực ĐTTM là một lĩnh vực hội tụ nhiều đột phá công nghệ, từ Internet vạn vật (IoT), đến công nghệ truyền dẫn, đặc biệt là mạng 5G, công nghệ điện toán đám mây, hay các công nghệ dữ liệu lớn (big data), phân tích dữ liệu (data analytics)…
Và hiện nay, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã nâng tầm ĐTTM, không chỉ dừng lại ở việc tự động hóa mà còn thông minh hóa, thậm chí có thể đưa ra các quyết định thay cho con người.
Phó Cục trưởng Hồ Đức Thắng cho biết: “Ngày nay, AI và IoT đã kết hợp để trở thành AIoT, mang lại khả năng tự động và tối ưu hóa cao hơn cho các ứng dụng ĐTTM. Chúng tôi nhận định rằng, ĐTTM thực sự là một lĩnh vực đầy tiềm năng để các công nghệ đột phá cùng phát triển và tạo giá trị”.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), khái niệm về thành phố thông minh (TPTM) bao hàm rất nhiều lĩnh vực, nhưng cốt lõi vẫn là “làm sao để phục vụ tốt nhất cho người dân, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, và nâng cao hiệu quả quản trị”.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh cho rằng: "Chúng ta không thể chỉ xây dựng TPTM từ những yếu tố trừu tượng mà cần bắt đầu từ những vấn đề cụ thể, như bãi đỗ xe thông minh hay dịch vụ công trực tuyến. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng TPTM chính là dữ liệu".
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, dữ liệu cần đầy đủ, chính xác, và luôn được cập nhật để người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể truy cập thông tin một cách chính xác và kịp thời. Cần xây dựng cơ chế kiểm soát dữ liệu và đảm bảo rằng dữ liệu không bị lỗi thời, mất tính chính xác.
Về vấn đề dữ liệu, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) Cù Kim Long cho rằng: “Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các kho dữ liệu, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến khả năng liên thông giữa các kho dữ liệu. Điều này không chỉ áp dụng ở cấp độ từng thành phố mà còn phải mở rộng ra cấp độ quốc gia, bao gồm sự kết nối giữa các thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước”.
Ông Cù Kim Long chia sẻ, bài học quan trọng từ kinh nghiệm quốc tế chính là việc xây dựng trục dữ liệu liên thông - một hệ thống đóng vai trò trung gian, cho phép các kho dữ liệu kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả. Đây là yếu tố then chốt để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý dữ liệu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các TPTM.
Theo ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đã trở thành hình mẫu về ứng dụng dữ liệu trong quản trị đô thị. Việc tích hợp dữ liệu từ hơn 20 cơ quan không chỉ giúp điều hành hiệu quả mà còn mở ra cơ hội phát triển các ứng dụng sáng tạo từ cộng đồng. Nhờ sự kết nối liên thông này, Đà Nẵng đã trở thành một trong những thành phố tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để dữ liệu thực sự trở thành “trái tim” của TPTM, việc đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố tiên quyết. Trong hành trình xây dựng đô thị thông minh, vai trò của doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng là không thể tách rời. Từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả đều góp phần cung cấp giải pháp công nghệ và dịch vụ số, hỗ trợ quản trị đô thị hiệu quả hơn. Để thúc đẩy sự tham gia này, việc xây dựng một “sân chơi chung” thông qua kiến trúc chính quyền số đồng bộ và các cơ chế chính sách rõ ràng là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là việc dữ liệu hiện nay vẫn còn bị phân tán và thiếu tính liên thông. Đây không chỉ là vấn đề ở cấp quốc gia mà còn xuất hiện giữa các tỉnh thành, khi các hệ thống dữ liệu chưa được đồng bộ hóa để hỗ trợ phát triển vùng. Việc thúc đẩy sử dụng các nền tảng chung và chia sẻ dữ liệu ngang hàng giữa các địa phương sẽ giúp giảm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời tạo ra hiệu quả lớn hơn trong việc cung cấp dịch vụ công và quản lý đô thị.