Bàn giải pháp hướng đến chính sách thu đối với bất động sản minh bạch và công bằng
Sáng 29/10, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Thực tiễn áp dụng chính sách thuế bất động sản ở các nước và kiến nghị cho Việt Nam'.
Thuế bất động sản nhằm đảm bảo công bằng xã hội
Thuế bất động sản là một trong những loại thuế xuất hiện sớm nhất và đang được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thuế bất động sản góp phần bổ sung cùng thuế thu nhập trong việc tái phân phối của cải xã hội, giảm bớt chênh lệch về bất động sản giữa các cá nhân, các tầng lớp dân cư, động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà, đất.
Thuế bất động sản được áp dụng ở các nước nhằm đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường quản lý việc sử dụng bất động sản, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Hiện nay, cải cách thuế bất động sản đã và tiếp tục trở thành một nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách thuế ở nhiều quốc gia nhằm thích ứng với các điều kiện thay đổi của kinh tế - xã hội cũng như tiến trình phân cấp ngân sách trong nhiều thập niên qua.
Theo TS. Lê Thị Thùy Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, trong quá trình cải cách thuế bất động sản, các quốc gia trên thế giới thường xác định mục tiêu rõ ràng liên quan đến vấn đề quản lý thị trường bất động sản; đảm bảo công bằng xã hội; khắc phục những vướng mắc phát sinh của các quy định hiện hành; tạo lập nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Tại Việt Nam, hệ thống chính sách thuế đối với sử dụng đất tại Việt Nam bao gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Về cơ bản, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai.
Tuy nhiên, trên thực tế, do sự biến động nhanh của kinh tế chính trị thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế sử dụng đất còn một số hạn chế (như chưa bao quát được nguồn thu, mức động viên còn thấp...), do đó, cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong từng bối cảnh.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, thể chế đối với thị trường bất động sản thời gian qua đã được hoàn thiện khá đầy đủ.
Năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Năm 2023-2024, một loạt Luật có liên quan đến thị trường bất động sản đã được ban hành: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2023. Đặc biệt, các quy hoạch phát triển quốc gia, vùng và địa phương về cơ bản đã được thông qua. Một số cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được ban hành. Chẳng hạn, cơ chế thu hồi đất lân cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch để tạo vốn phát triển hạ tầng; cơ chế phát triển hạ tầng trên địa bàn hai tỉnh...
Đánh giá kỹ tác động
Mặc dù đã được hoàn thiện, song, bất cập, hạn chế vẫn còn. Trong bối cảnh hoàn thiện thể chế đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nói chung và phát triển thị trường bất động sản năm 2025, tầm nhìn 2030, các đại biểu, chuyên gia có mặt tại hội thảo đã đặt ra một số vấn đề hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản có một số nội dung cần quan tâm.
Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, tiên quyết là phải kiện toàn hệ thống luật liên quan đến quy hoạch: Luật Quy hoạch; Luật Quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch sử dụng đất trên cả ba cấp độ (quốc gia, tỉnh, huyện). Bên cạnh đó, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai và Luật Quy hoạch cho đồng bộ và thống nhất.
Khuyến nghị giải pháp hướng đến chính sách thu đối với bất động sản minh bạch và công bằng, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng chính sách điều tiết mới có thể mở rộng thêm cơ sở thuế một số khoản thu mới như thu chênh lệch địa tô, thu trên giá trị sở hữu tài sản là bất động sản,…
Cũng theo bà Cúc, cần nghiên cứu kỹ càng để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam liên quan đến bất động sản như thừa kế, cho tặng… Đồng thời cần đánh giá kỹ tác động của việc đưa ra các chính sách mới trên các khía cạnh như tính khả thi, tác động đến thị trường, tác động đến thu ngân sách nhà nước…
Thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn mới - giai đoạn tài chính hóa. Cùng với rất nhiều nỗ lực của tất cả các bên, việc hoàn thiện các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản là hết sức quan trọng. Một trong số đó là vấn đề thuế liên quan đến bất động sản. Với nền kinh tế hướng đến là nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao, theo thông lệ quốc tế, rất cần hoàn thiện tất cả các công cụ có liên quan đến bất động sản, trong đó có các công cụ thuế đối với thị trường bất động sản.