Bàn giải pháp đưa các sản phẩm nông sản vào các chuỗi siêu thị

Ngày 14/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị thảo luận về giải pháp đưa các sản phẩm nông sản vào các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường và một số phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc cùng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản - chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo đề dẫn tại hội nghị, hiện trên địa bàn tỉnh có 399 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuy còn ở mức độ khác nhau nhưng các hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp đã chủ động vươn lên, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để đầu tư thiết bị, máy móc, xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, áp dụng các quy trình quy chuẩn cao hơn. Quy mô sản xuất của HTX ngày càng được mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, khai thác được tiềm năng lợi thế phát triển sản phẩm có tính đặc thù, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm (xây dựng nhãn hiệu; bao bì nhãn mác; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; phát triển sản phẩm OCOP…) cùng các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ triển lãm thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm, phiên chợ nông sản, tuần lễ quảng bá nông sản…), từ đó các hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng các hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế như: Số lượng đăng ký thành lập mới tăng nhanh về số lượng, nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, chưa đa dạng hóa sản phẩm; thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh; lúng túng trong tổ chức sản xuất kinh doanh; sự liên kết trong sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã với doanh nghiệp và các hợp tác xã khác chưa chặt chẽ…

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tiêu thụ sản phẩm nông sản

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tiêu thụ sản phẩm nông sản

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã đã nêu một số khó khăn như: Thiếu vốn đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất, công nghệ bảo quản; chưa tích tụ đất đai để phát triển và tạo ra các nguồn nguyên liệu tập trung; sản xuất kinh doanh chưa gắn được với du lịch sinh thái cộng đồng; hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số sản phẩm không rõ nguồn gốc giá rẻ lưu hành trên thị trường…

Trong chương trình hội nghị, đại diện các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã trả lời một số thắc mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã về thực hiện một số quy định trong hoạt động kinh doanh, vay vốn tín dụng ưu đãi… Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã về cách thức điều chỉnh, hiệu đính thông tin đăng tải quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh và các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là các giải pháp để tổ chức đưa các sản phẩm nông sản vào các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Qua thảo luận, trao đổi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp (chủ thể các sản phẩm OCOP) đã thống nhất về một số giải pháp cơ bản để phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm nông sản vào các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ, làm việc với các siêu thị để đặt vấn đề liên kết.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để duy trì và nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm OCOP; tập trung đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm; xây dựng kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm phù hợp với các phân khúc thị trường.

TRÍ DŨNG - DUY HÀ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ban-giai-phap-dua-cac-san-pham-nong-san-vao-cac-chuoi-sieu-thi-5047120.html
Zalo