Bản án về vụ lừa đảo trăm tỷ: Vì sao kéo dài, khó thi hành?

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng liên quan đến vợ chồng Khánh Dương - Quỳnh Anh kéo dài nhiều năm, đến nay bản án vẫn chưa thể thực thi. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thông tin với phóng viên về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án vụ việc.

Ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thông tin với phóng viên về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án vụ việc.

Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đang thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 781/2018/HSPT ngày 28/11/2018 của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội (Bản án số 781). Người phải thi hành án (THA) là Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Dương).

Vụ việc kéo dài nhiều năm, được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS chỉ đạo và các bị hại liên tục có đơn đề nghị Cục THADS tỉnh Thái Nguyên thi hành nhưng đến nay vẫn chưa thể thực thi. Vậy đâu là nguyên nhân?

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến vợ chồng Khánh Dương - Quỳnh Anh đã gây “chấn động” dư luận Thái Nguyên từ năm 2008 và nhiều năm sau đó. Đây là vụ án lớn với hàng chục nạn nhân bị lừa đảo, số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vợ chồng Dương, Anh đã vay tiền của nhiều người để đầu tư kinh doanh, nhận chuyển nhượng một số diện tích đất nhưng mất khả năng hoàn trả.

Khánh Dương, Quỳnh Anh đã bị tòa án xử phạt với mức án lần lượt là tù chung thân và 30 năm tù. Theo bản án, vợ chồng Dương - Anh phải liên đới bồi thường cho 27 bị hại tổng số tiền trên 112,2 tỷ đồng và nộp án phí 328,8 triệu đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra các quyết định kê biên đối với 16 tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của hai vợ chồng Dương, Anh.

Tuy nhiên, khi vụ án đang trong quá trình điều tra thì năm 2011, ông Dương Quang Hợp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ký các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với các bị cáo. Từ đó, vợ chồng Võ Khánh Dương đã thừa cơ tẩu tán hết tài sản (bán đất và tài sản trên đất cho người khác).

Khi đến phiên tòa xét xử, hai bị cáo không còn tài sản gì để bồi thường cho các bị hại. Vậy nhưng, Bản án số 781 vẫn tuyên tiếp tục duy trì các lệnh kê biên tài sản do cơ quan điều tra thực hiện.

Do bản án đã có hiệu lực nên cơ quan THADS tỉnh chỉ đạo chấp hành viên tổ chức THA. Quá trình tổ chức THA, trong 16 tài sản tòa án tuyên duy trì lệnh kê biên của cơ quan điều tra, Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo chấp hành viên tiến hành xử lý xong theo quy định 1 tài sản.

Đối với 15 tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất còn lại, Cục THADS tỉnh nhận thấy có nhiều vướng mắc, không thể thi hành do các tài sản mà Bản án số 781 tuyên duy trì Lệnh kê biên của cơ quan điều tra đã được chuyển nhượng cho các chủ thể khác, không có cơ sở để xử lý tài sản kê biên theo quy định.

Do có khó khăn, vướng mắc, Cục THADS tỉnh đã tổ chức họp liên ngành nhiều lần, đồng thời có nhiều báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo THADS tỉnh. Quá trình tổ chức thi hành, Cục THADS tỉnh đã thực hiện khẩn trương, đầy đủ các chỉ đạo của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Thái Nguyên; phối hợp với các ngành liên quan theo quy định của pháp luật. Các đương sự (bị hại) cũng liên tục gửi đơn đến nhiều cơ quan của tỉnh và Trung ương đề nghị chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, do gặp phải những khó khăn, vướng mắc nên bản án chưa thể được thi hành dứt điểm.

Theo thông tin từ Cục THADS tỉnh, đến hết tháng 3-2025, Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, Cục THADS tỉnh đã có những buổi tiếp và trả lời công dân về việc tổ chức THA Bản án số 781. Trong đó, tại buổi tiếp ngày 28/3/2025, đại diện Tổng cục THADS cho rằng, quá trình tổ chức THA, Cục THADS tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định; xây dựng, ban hành kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế nhưng không thành.

Cục THADS tỉnh Thái Nguyên cũng đã có báo cáo về việc dừng cưỡng chế và lý do dừng cưỡng chế, đồng thời cũng báo cáo Tổng cục THADS về các khó khăn, vướng mắc, quan điểm giải quyết của Cục đối với vụ việc.

Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA, ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho rằng: Việc Bản án số 781 tuyên duy trì lệnh kê biên của cơ quan điều tra với các tài sản là không khả thi vì những thửa đất và tài sản trên đất (theo lệnh kê biên) đã chuyển nhượng cho người khác. Các tài sản này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định trước thời điểm Bản án 781 có hiệu lực pháp luật, không còn là tài sản của người phải THA. Do đó, việc ban hành kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế kiểm tra hiện trạng để xử lý tài sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba.

Ông Trần Bình nhấn mạnh: Cục THADS đã tổ chức họp liên ngành nhiều lần và báo cáo với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trên. Cục THADS tỉnh cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan Tòa án có thẩm quyền xem xét, kiến nghị giám đốc thẩm hoặc xem xét hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng hoặc tính chất pháp lý của các tài sản này. Tuy nhiên đến nay, Cục vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Cục THADS tỉnh đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục tham mưu, báo cáo đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với TAND tối cao sớm có ý kiến để Cục THADS tỉnh Thái Nguyên giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định.

Quan điểm của chúng tôi là bản án có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thi hành, trong khi chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Cục THADS chỉ đạo chấp hành viên, tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được THA, người phải THA và người có quyền, lợi ích liên quan - ông Trần Bình thông tin.

Hoàng Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202504/ban-an-ve-vu-lua-dao-tram-ty-vi-sao-keo-dai-kho-thi-hanh-40c1a07/
Zalo