'Bài tủ' trong đàm phán của ông Trump còn phát huy hiệu quả?
Những tuyên bố sẽ áp thuế mới đối với Mexico, Canada và Trung Quốc báo hiệu sự trở lại của chiến thuật đàm phán được Tổng thống đắc cử Donald Trump ưa thích, song tính hiệu quả của chúng ở thời điểm hiện tại vẫn bị đặt dấu hỏi.
Trong một động thái gây chú ý, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc áp dụng thuế quan đối với 3 đối tác thương mại chính của Mỹ.
Thông qua loạt bài đăng trên mạng xã hội, ông đe dọa sẽ áp thuế lên Mexico, Canada và Trung Quốc nếu các quốc gia này không đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dòng chảy ma túy và người di cư bất hợp pháp vào nước Mỹ.
"Phát súng bắn vào cây cung"
Động thái này được xem như sự trở lại của chiến thuật đàm phán quen thuộc, được áp dụng ngay từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump: sử dụng sức mạnh thị trường Mỹ để gây áp lực lên các đối tác quốc tế. Dù đã bổ nhiệm những nhân vật hoài nghi về thuế quan như Scott Bessent và Howard Lutnick vào nội các, ông Trump vẫn kiên định với chiến lược tận dụng thương mại như một công cụ đàm phán đa mục tiêu.
Stephen Moore, cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Trump, mô tả đây là "một phát súng bắn vào cây cung" - ám chỉ đòn tấn công tâm lý mạnh mẽ nhằm buộc đối tác phải nhượng bộ ngay từ đầu. Dù gây ra không ít xáo trộn trong quan hệ quốc tế và thị trường tài chính, chiến thuật này từng đem lại một số thành công nhất định đối với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu.
Đơn cử như năm 2018, Tổng thống Trump buộc Mexico và Canada phải đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng cách đe dọa rút khỏi hiệp định. Kết quả là đến tháng 11 cùng năm, 3 quốc gia chấp nhận ký kết hiệp định thương mại mới thay thế NAFTA, mang tên Hiệp định mới giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA), chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020.
Tuy nhiên, thỏa thuận đó không ngăn cản Tổng thống Trump đe dọa leo thang áp thuế với Mexico chỉ sau một năm, để buộc nước này phải tăng cường kiểm soát người di cư bất hợp pháp. Mexico sau đó đã triển khai 6.000 quân từ lực lượng Vệ binh Quốc gia đến biên giới với Guatemala. Bộ ngoại giao nước này cũng cam kết sẽ mở rộng chương trình "ở lại Mexico", trong đó yêu cầu người tị nạn không được phép rời Mexico trước thời điểm trình diện ở tòa án di trú Mỹ.
Chiến lược này, dù vậy, không phải không gây ra những tác động tiêu cực. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley từ bang Iowa cho biết ông phải chứng kiến nông dân tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Điều này cho thấy việc sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán có thể tạo ra những tổn thất không mong muốn cho nền kinh tế nội địa.
Các mục tiêu không còn "dễ chơi"
Thời điểm hiện tại cũng đã khác so với trước năm 2020, khi những nước từng bị ông Trump chọn là mục tiêu áp thuế dường như đã "rút kinh nghiệm" và trở nên bình tĩnh hơn trước những đe dọa mới từ vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Dưới thời cựu Tổng thống López Obrador, Mexico vẫn duy trì quan hệ tương đối ổn định nhằm tạo điều kiện cho các thỏa thuận song phương với Mỹ, bất chấp những lời chỉ trích gay gắt và kế hoạch xây tường biên giới của ông Trump.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Claudia Sheinbaum nhanh chóng đáp trả bằng việc đe dọa áp dụng các biện pháp trả đũa, đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ trong việc kiểm soát người di cư bất hợp pháp. Bà cũng chỉ trích vấn đề buôn bán vũ khí bất hợp pháp từ Mỹ vào Mexico, dù vẫn để ngỏ khả năng đàm phán về "mô hình di chuyển lao động mới".
Canada, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cũng trở nên ít nhượng bộ hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Giới chức Ottawa gần đây liên tục cảnh báo với Washington rằng việc đảo lộn quan hệ giữa hai nước có thể đẩy kinh tế Mỹ vào "thảm họa".
Canada và Mexico hiện chiếm gần 1/3 lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, với tổng giá trị đạt khoảng 3,1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Do đó, các biện pháp thuế quan mới của ông Trump có nguy cơ thúc đẩy hai nước trên trả đũa, đẩy chi phí cho những thứ như ô tô và năng lượng trên khắp Bắc Mỹ lên cao.
Trung Quốc, từng là mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, cũng sẽ là mục tiêu tiếp theo của ông sau khi đắc cử, với các khoản áp thuế dự kiến tập trung vào người di cư và ma túy. Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng kế hoạch mới của ông Trump có thể tái khởi động căng thẳng và gây tổn hại đến nền kinh tế hai nước.
"Ý tưởng về việc Trung Quốc cố tình cho phép tiền chất fentanyl được tuồn vào nước Mỹ hoàn toàn trái ngược với thực tế", Lưu Bằng Vũ - người phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, tuyên bố. "Không ai có thể chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến thuế quan".
Thị trường "thờ ơ"
Thị trường tài chính phản ứng thận trọng trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump. Đồng USD tăng giá so với peso Mexico và đô la Canada, phản ánh mức độ tin cậy của các nhà đầu tư đối với những đe dọa này. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán chính chỉ có những biến động nhẹ, cho thấy thị trường đang xem xét bức tranh tổng thể về chính sách kinh tế của ông Trump hơn là từng động thái cụ thể.
Darrell Crate, người sáng lập nền tảng quản lý đầu tư Easterly Asset Management, nhận định phản ứng của thị trường phản ánh sự quen thuộc với phong cách của ông Trump sau gần một thập kỷ. Eric Wallerstein - Giám đốc Marketing hãng nghiên cứu thị trường Yardeni Research, cũng cho rằng đây có thể là chiến thuật của tổng thống đắc cử Mỹ nhằm tạo lợi thế đàm phán sớm cho nhiệm kỳ tới.
Khi chuẩn bị cho khả năng trở lại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Trump dường như đang thiết lập nền tảng cho những thắng lợi nhanh chóng trong các chính sách được ưu tiên. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như phản ứng của đối tác thương mại, tác động đến nền kinh tế Mỹ và khả năng duy trì sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh căng thẳng thương mại có thể kéo dài.
Nhìn chung, nhiều nhà kinh tế cảnh báo các biện pháp thuế quan mà ông Trump cam kết áp dụng trong chiến dịch tranh cử có thể khiến giá cả trong nước tăng đột biến và tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Dù vậy, nhiều chuyên gia tài chính ở Phố Wall xem việc chọn các ông Scott Bessent làm người đứng đầu Bộ Tài chính và Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại là một dấu hiệu cho thấy hành động thực tế của ông Trump có thể không gay gắt bằng những tuyên bố của ông khi nói đến chính sách thương mại.