Bài toán tỷ đô của ngành công nghiệp bị bỏ quên
Việt Nam tiêu tốn chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh nhưng lại đang bỏ phí nguồn phế liệu nhựa có giá trị.
Sản xuất nhựa là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, hầu như năm nào cũng chứng kiến mức tăng trưởng hai con số. Riêng năm 2024, theo ước tính của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa đạt doanh thu 31 tỷ USD, tăng trưởng 23,9% so với năm 2023.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng ấy, ngành nhựa phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Hàng năm, Việt Nam tiêu tốn khoảng 13 - 14 tỷ USD cho việc nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh làm nguyên liệu. Một con số khổng lồ, gấp khoảng ba lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lúa gạo.
Đáng lẽ, con số hàng chục tỷ USD dùng cho nhập khẩu hạt nhựa có thể được tiết kiệm. Bằng cách nào? Không khó tìm ra câu trả lời nếu đi thăm bất cứ một bãi rác nào trên cả nước.
Lấy ví dụ tại bãi rác Nam Sơn, một trong những bãi rác tập trung lớn của Hà Nội. Khoảng 16% khối lượng rác ở đây là rác thải nhựa. Lấy tỷ lệ đó nhân với con số 7 nghìn tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, tức là tính riêng Hà Nội, có khoảng 1 nghìn tấn rác nhựa được đưa ra bãi rác, chuẩn bị đem đi đốt hoặc chôn lấp.
Ước tính, nếu có thể thu gom, xử lý số rác nhựa phát sinh trên toàn quốc để đưa vào tái chế, chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 3 - 4 tỷ USD mỗi năm tiền nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh.
Ông Hoàng Đức Vượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam.
Ước tính, nếu có thể thu gom, xử lý số rác nhựa phát sinh trên toàn quốc để đưa vào tái chế, chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 3 - 4 tỷ USD mỗi năm tiền nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh.
Đó là chưa kể số tiền có thể lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD có thể tiết kiệm được cho việc xử lý ô nhiễm và giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người, mất đa dạng sinh học gây ra bởi sự ô nhiễm.
Thế nhưng, mỏ vàng trị giá hàng tỷ USD đó đang bị lãng phí suốt nhiều năm nay, bởi chúng ta chưa có ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn.
Bài toán tỷ đô
Ngành công nghiệp tái chế đã tồn tại suốt nửa thế kỷ qua, hình thành nên mạng lưới hàng nghìn làng nghề tái chế trên khắp cả nước, tập trung gần những thành phố lớn.
Hàng nghìn làng nghề tái chế này góp công sức rất lớn cho bức tranh toàn cảnh về quản lý chất thải rắn. Phế liệu nhựa, giấy, kim loại từ sinh hoạt, từ các nhà máy, khu công nghiệp được tập kết về các làng nghề để chế tạo ra sản phẩm mới, thay vì kết thúc vòng đời tại bãi chôn lấp, lò đốt rác.
Song song với đó là hàng triệu lao động phi chính thức làm việc tại các vựa phế liệu, làng nghề tái chế hoặc rong ruổi khắp phố phường, ngõ hẻm để thu gom ve chai, đồng nát.
Đồng hành với ngành công nghiệp tái chế hơn 20 năm, tôi nhìn thấy ở đó sự năng động, nhiệt huyết và sáng tạo.
Không sáng tạo sao được với bức tranh chất thải không được phân loại tại nguồn, phế liệu dính đủ thứ tạp chất, các loại bao bì, sản phẩm được thiết kế hầu như chỉ với mục đích đẹp mắt, rất khó để xử lý.
Nhờ sức sáng tạo, những lao động phi chính thức trong chuỗi giá trị tái chế, đa phần chẳng qua trường lớp đào tạo, đã nghĩ ra cách tẩy sạch keo dán thừa khỏi tuýp nhựa hay tách gọn ghẽ chiếc lò xo trong vòi của chai dầu gội, những công đoạn mang tính thách thức đối với máy móc hiện đại từ châu Âu.
Không nhiệt huyết, năng động, sao có thể bám trụ với cái nghề chứa đựng muôn vàn khó khăn, từ thị trường bấp bênh cho đến những định kiến từ công chúng và xã hội.
Lực lượng thu gom, tái chế là lợi thế lớn của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới để xử lý vấn nạn chất thải rắn. Nếu không có những chị em đồng nát, ve chai, những làng nghề tái chế, lượng rác thải có thể đã ngập đến cổ chúng ta rồi chứ chẳng phải “ngập đến chân” nữa.
Những quốc gia phát triển cần phải đầu tư hàng tỷ USD cho hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế phế liệu. Còn tại Việt Nam, nếu đầu tư đúng cách vào lực lượng thu gom, tái chế phi chính thức, có thể xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại, đạt chuẩn với chi phí rẻ hơn nhiều.
Điều đó đem lại lợi ích đa chiều. Đồng đô la mà chúng ta phải vất vả mới kiếm về sẽ được giữ lại Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm, giải quyết nhiều vấn đề về môi trường và xã hội.
Đâu là giải pháp?
Thứ nhất, Việt Nam cần ban hành một bộ quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm nhựa để tránh tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, pha trộn phụ gia để giảm giá thành, giảm chất lượng, sản phẩm mau hỏng và trở thành rác thải nhựa khó tái chế, làm trầm trọng hơn vấn nạn “ô nhiễm trắng”.
Quy chuẩn chất lượng cho ngành nhựa còn là hàng rào kỹ thuật giúp Việt Nam ngăn ngừa sản phẩm, bao bì nhựa kém chất lượng được nhập khẩu vào nước ta, là công cụ để bảo vệ sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa. .
Thứ hai, ban hành tiêu chuẩn bao bì, sản phẩm sinh thái cho sản phẩm nhựa. Tiêu chuẩn sinh thái, theo tôi, là việc thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thuận tiện cho thu gom, tái chế. Chưa có tiêu chuẩn này, một số sản phẩm, bao bì của Việt Nam được thiết kế một cách kém thân thiện với môi trường.
Chẳng hạn như không ít sản phẩm hiện nay được đóng trong bao bì có phần in ấn rất to, vừa tốn tiền mực in, vừa tăng tạp chất làm giảm chất lượng tái chế. Sẽ rất hay nếu chúng ta có quy định chỉ được in ấn, quảng cáo trên diện tích khoảng 10 - 30% bao bì thôi, như thế sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu USD nhập khẩu mực in và giúp phế liệu tái chế dễ hơn, giá cao hơn.
Thứ ba, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, đại đa số người tiêu dùng có thói quen vứt chung rác vào một thùng, khiến các loại rác, từ chất thải hữu cơ, rác khó tái chế cho tới những phế liệu có giá trị tái chế cao bị trộn lẫn với nhau. Phế liệu từ đó bị nhiễm bẩn, nhiễm mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng tái chế
Nếu rác được phân loại tại nguồn, chúng ta sẽ có được nguồn phế liệu giá trị cao, không chỉ nhựa mà còn giấy, thủy tinh, kim loại…, bên cạnh việc giảm bớt gánh nặng cho hệ thống quản lý chất thải rắn, bớt phần gánh nặng cho công nhân vệ sinh môi trường và những người hành nghề ve chai, đồng nát.
Mặt khác, rác thải hữu cơ được tách riêng ra cũng có thể xử lý trở thành phân bón hoặc nhiên liệu sinh học, đem lại giá trị kinh tế hàng chục tỷ USD cho đất nước.
Chúng ta đã dành nguồn lực khổng lồ để sản hàng tiêu dùng nhưng lại sử dụng nguồn lực rất nhỏ cho việc xử lý bao bì và sản phẩm sau tiêu dùng.
Ông Hoàng Đức Vượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam
Thứ tư, đầu tư bài bản cho ngành công nghiệp tái chế. Chúng ta đã dành nguồn lực khổng lồ để sản hàng tiêu dùng nhưng lại sử dụng nguồn lực rất nhỏ cho việc xử lý bao bì và sản phẩm sau tiêu dùng. Như vậy, ô nhiễm là điều không tránh khỏi.
Thay vào đó, có thể tiêu tốn vài tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ bản, ngành tái chế, với sự năng động, nhiệt huyết và sáng tạo, sẽ bứt phá rất nhanh, mang lại cho đất nước hàng tỷ USD mỗi năm.
Đi kèm với đó là môi trường lành mạnh cho người dân, là chuỗi cung ứng bền vững cho doanh nghiệp, những giá trị to lớn, khó có thể đo đếm hết được.
Những năm qua, nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp tái chế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, đạt chuẩn.
Tin rằng, với tư duy ấy, nhiều chính sách đột phá sẽ được ban hành trong thời gian tới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia văn minh với rác.