Bài thơ 'Lính râu ria' của Quang Dũng: Chất trữ tình của 'đêm thơ'

Khi đọc Tây Tiến tôi đặc biệt thích câu Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm, yêu sự lãng mạn của chàng trai Hà Thành lần đầu ra trận.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Nay đọc bài thơ Lính râu ria, tôi bắt gặp hình tượng đêm thơ. Có sự tương đồng chăng giữa đêm thơ và đêm mơ? Thỏa trí tò mò ấy, cần tìm hiểu toàn văn bài thơ Lính râu ria của nhà thơ Quang Dũng.

Quả thực, khi chưa đọc bài thơ, những tưởng Lính râu ria tức là bức tranh tự họa về người lính có bộ râu quai nón, hoặc ít ra cũng là bộ râu đặc biệt trên gương mặt trẻ cho ngông, cho lạ, thậm chí cho dị… Nhưng không hẳn thế, ở đây cũng có Bộ râu hơn bàn chải nhưng tần số xuất hiện ít thôi, chỉ một lần duy nhất chứ không đậm đặc như hình dung ban đầu của độc giả khi đọc nhan đề bài thơ.

LÍNH RÂU RIA

Khuya khoắt sông bờ vắng

Lửa hồng quán tản cư

Lính mấy chàng vất vả

Tìm sống một đêm thơ

Một người kêu cà phê

Một anh gọi thuốc lá

Một người nhìn sau trước…

- Chị ơi ! Ly rượu nhỏ!

Rượu nhỏ một ly thôi

Đời lính đã kham rồi

Một ly cho đỏ mặt

Cho lên hương cuộc đời

- Chị ơi! Cháu ngủ đâu

Rồi anh bế con chị

Anh lim dim cúi đầu

Cô bé cười chúm chím

Mắt non nhìn như sao

Đôi mắt nhìn như sao

Má hồng như trái mận

Màu đang độ ngọt ngào

Bàn tay như rễ cây

Bộ râu hơn bàn chải

Anh ôm con người ta

Anh ôm ghì nó mãi

Cô bé năm tháng trời

Tuổi anh vừa ba mươi

Vợ anh giờ này đâu

Anh mỉm cười rười rượi

Khi anh về đã xa

Chị dọn hàng đi ngủ

Chép miệng trong hơi chăn

Chị buồn chi không rõ

Khuya khoắt sông bờ vắng

Tiếng súng rền xa xa

Lính mấy chàng phanh ngực

Hát nhẹ lên bài ca…

Quang Dũng

(Nông Giang - Vân Đình - 1947)

Bối cảnh câu chuyện để Bộ râu hơn bàn chải lộ diện là:

Khuya khoắt sông bờ vắng/ Lửa hồng quán tản cư/ Lính mấy chàng vất vả/ Tìm sống một đêm thơ

Đoạn thơ diễn tả một không gian và thời gian khá tường minh, cách kết hợp đảo ngữ và sử dụng từ láy Khuya khoắt sông bờ vắng giúp người đọc hình dung thật rõ khung cảnh trong quán tản cư, bên bếp lửa hồng nơi bờ sông vắng, vào lúc đêm khuya muộn (khuya khoắt) có mấy chàng lính, sau ngày dài vất vả đã Tìm sống một đêm thơ.

Ở đây xuất hiện khái niệm đêm thơ, đêm thơ là một khái niệm mơ hồ, hay nói cách khác, là một khái niệm mở, có không gian tuyệt hảo cho trí tưởng tượng bay bổng của mỗi người. Dẫu mỗi người có thể hình dung tưởng tượng khác nhau nhưng cùng có mẫu số chung, đêm thơ cho mấy chàng vất vả phải là sự đối nghịch với vất vả. Sẽ là nhạc, là thơ, là đèn hoa đăng… bởi ánh sáng sẽ làm ấm không gian, xua màn đêm u tối và thơ nhạc luôn có sức mạnh tinh thần lớn lao.

Một thời khói lửa chúng ta từng có khẩu hiệu Tiếng hát át tiếng bom. Đêm thơ nếu không lung linh ánh sắc đèn nến thì chắc cũng phải là đêm trăng vằng vặc tỏa ánh sáng thần diệu, huyễn hoặc lên vạn vật, giữa mờ ảo và lung linh đôi khi không có ranh giới… Nhưng, đọc thơ Quang Dũng, để thấy đêm thơ của lính vất vả không giống như mình hình dung, tưởng tượng

Một người kêu cà-phê/ Một anh gọi thuốc lá/ Một người nhìn sau trước.../ - Chị ơi! Ly rượu nhỏ! /Rượu nhỏ một ly thôi/ Một ly cho đỏ mặt/ Cho lên hương cuộc đời

Thì ra, đêm thơ của lính là cà-phê, thuốc lá và ly rượu nhỏ. Đó là nhu cầu, là mơ ước ư? Với cuộc sống đầy đủ như hiện nay thì cà-phê, thuốc lá và một ly rượu nhỏ không còn là mơ ước nữa, là chuyện nhỏ, là điều hết sức bình thường. Hiện thực khách quan cho thấy sự thiếu thốn của chiến trường gian khó, mặc dù nhà thơ không phản ánh trực diện và lính tráng chẳng hề kêu ca.

Cái cách kêu ly rượu nhỏ cũng mang đầy chất lính trẻ, tinh nghịch, hóm hỉnh. Các từ ngữ như một ly, rượu nhỏ được lặp lại trong khổ thơ vừa diễn tả nét tinh nghịch của lính qua cách thức nài nỉ hóm hỉnh, vừa thể hiện chất lãng mạn của một đêm thơ. Đêm thơ là mơ ước cho một nhu cầu được giải trí, được nghỉ ngơi, được phá lệ, được vượt thoát quy định ngặt nghèo nơi quân ngũ… Đọc mà thấy rưng rưng, cay cay nơi khóe mắt.

Giá như đêm thơ ấy là mấy chàng lính trẻ hát nghêu ngao hay mấy chàng “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” chắc hẳn độc giả không phải thấy cay cay nơi khóe mắt như đọc khổ thơ này. Cho hay, cuộc chiến tạo ra những con người như sắt, như đồng, có sức mạnh vượt qua bão giông và bom rơi đạn lửa.

* * *

Trong số những chàng lính vất vả, tìm thú vui trong cà-phê, thuốc lá và ly rượu nhỏ ấy, có một người lặng lẽ tách biệt với một nhu cầu khác của đêm thơ:

- Chị ơi! Cháu ngủ đâu/ Rồi anh bế con chị/ Anh lim dim cúi đầu/ Cô bé cười chúm chím/ Mắt non nhìn như sao/ Đôi mắt nhìn như sao/ Má hồng như trái mận/ Mùa đang độ ngọt ngào!/ Bàn tay như rễ cây/ Bộ râu hơn bàn chải/ Anh ôm con người ta/ Anh ôm ghì nó mãi

Đoạn thơ tự sự nhưng lại đậm màu sắc trữ tình và mở rộng trường liên tưởng cho người đọc bởi sức gợi thật sâu xa… Một người lính bế con của cô chủ quán, động tác âu yếm như bế chính con mình, cháu bé xinh xắn với đôi má hồng và ánh mắt sáng như sao tận hưởng hạnh phúc được bế bồng trong tay người lính. Và người lính, với tất cả tình cảm âu yếm, yêu thương, ôm ghì đứa trẻ bằng bàn tay như rễ cây… bàn tay cứng cỏi, gân guốc, hằn in năm tháng nhọc nhằn của lao động chân tay, của việc cầm súng nơi chiến trường.

Và, với nhan đề Lính râu ria thì đến đây hình ảnh bộ râu xuất hiện, cũng là lần xuất hiện duy nhất trong bài. Tần số xuất hiện hiếm hoi nhưng dư âm đọng mãi. Cũng lại là gợi nhiều hơn tả trong hình ảnh so sánh Bộ râu hơn bàn chải, rõ ràng đây không phải là mốt, không phải một hình tượng thẩm mỹ, càng không phải xu hướng thẩm mỹ, không đu trend. Ở đây là dấu ấn của gian khó, thiếu thốn.

 Chân dung nhà thơ Quang Dũng.

Chân dung nhà thơ Quang Dũng.

Câu thơ của Quang Dũng khiến độc giả liên tưởng một cách rất tự nhiên tới Bài ca trù Cạo râu, có đoạn:

Đã sinh ra kiếp nam nhi/ Ai không có vẻ tu mi ở đời/ Để râu sợ chóng già người/ Ừ thì cạo quách cho đời trẻ dai

Có râu ra dáng nam nhi nhưng sợ già nên cạo quách đi cho trẻ. Lời ca này giọng tếu táo, tinh nghịch mà người lính không thể vận dụng bởi nơi chiến trường làm gì có thời gian? Làm gì có đủ đồ dùng thiết yếu?

* * *

Vẫn bài ca trù Cạo râu lại có câu Hôn vợ, vợ ngờ đem chổi quét,/ Nậng con, con ngỡ lấy rơm chùi vẫn là tìm lý do để phải cạo râu. Thế mới thấy bộ râu như bàn chải của anh lính vừa có cái vẻ ngồ ngộ của hình ảnh người lính lại vừa thoáng chút ngậm ngùi nơi độc giả.

Cô bé năm tháng trời/ Tuổi anh vừa ba mươi/ Vợ anh giờ này đâu?/ Anh mỉm cười rười rượi

Ôm con người, nhớ vợ mình. Sợi dây liên tưởng này cũng được tạo nên từ cái gốc sâu xa là chất lãng mạn, nhưng cũng rất thật, rất đời. Cha ông ta xưa từng quan niệm “tam thập bất nhi lập”, tuổi 30 là tuổi đang xoan với đàn ông nhưng tuổi 30 cũng là tuổi gây dựng cơ đồ và có con, có cái. Nếu là thời bình thì giờ này bên vợ, bên con.

Nỗi nhớ thẳm sâu hiển hiện thành động tác Anh ôm con người ta/ Anh ôm ghì nó mãi… hình ảnh thơ thật sự giàu sức gợi, thực sự khiến người đọc mủi lòng và chắc hẳn, chẳng ai có thể thờ ơ khi đọc tiếp câu thơ Anh mỉm cười rười rượi, nụ cười của nỗi buồn lành mạnh, của nỗi nhớ đằm sâu, của liên tưởng tự nhiên như một quy luật đã định hình về cảm xúc. Và, đêm thơ của mấy người lính rồi cũng đến lúc tàn:

Khi anh về đã xa/ Chị dọn hàng đi ngủ/ Chép miệng trong hơi chăn/ Chị buồn chi không rõ

Tại sao anh đã về xa chị mới dọn hàng đi ngủ? Chị còn chờ đợi khách khác? Tốp lính trẻ khác chăng? Hay chị có nỗi niềm riêng khó tả để rồi bâng khuâng không nỡ sớm dọn hàng? Không phải tâm trạng nào cũng hiển thị thành thơ và không hẳn bài thơ nào cũng tả chân được cảm xúc. Nói mà như không nói, tả mà như không tả. Đó là thủ pháp gợi mang âm hưởng của thơ Đường. Có người lính nhớ vợ, có phụ nữ buồn chép miệng trong hơi chăn…

Và khổ kết của bài thơ xuất hiện âm thanh trực tiếp chứ không chỉ là gợi mà tả như ở khổ thơ thứ nhất của bài thơ nữa. Nếu khổ thơ thứ nhất Khuya khoắt sông bờ vắng không nói âm thanh mà gợi sự vắng vẻ của âm thanh thì khổ cuối:

Khuya khoắt sông bờ vắng/ Tiếng súng rền xa xa/ Lính mấy chàng phanh ngực/ Hát nhẹ lên bài ca...

Vẫn có hình ảnh Khuya khoắt sông bờ vắng, hiện diện đủ không gian bên bến sông và thời gian khuya khoắt, lặp lại cấu trúc câu thơ mở đầu nhưng đã xuất hiện Tiếng súng rền xa xa và đã xuất hiện âm thanh của tiếng hát nhẹ từ mấy chàng lính trẻ. Không rõ lời bài ca, nhưng chắc chắn đó là bài ca về hy vọng, về niềm tin tươi sáng của ngày kháng chiến thành công. Chẳng phải thế sao?

Với những người lính giàu nội lực và quyết tâm, với sự tuân thủ kỷ luật quân ngũ, các anh sẽ giành chiến thắng trong một ngày không xa… Hình ảnh cuối bài thơ: Lính mấy chàng phanh ngực/ Hát nhẹ lên bài ca... là hình ảnh vừa mang nét ngang tàng, đậm khí chất của người lính vừa mang vẻ lãng mạn. Cuộc sống nói chung, cuộc sống kháng chiến nói riêng, rất cần sự hòa quyện của chất hào hùng và chất lãng mạn. Và chính điều đó cũng làm nên nét đặc trưng của thơ Quang Dũng, thơ của thi sĩ tài hoa luôn thể hiện được chất lãng mạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Lính râu ria là bài thơ gọn gàng với những hình ảnh giàu sức gợi, hiển hiện qua ngôn ngữ được chắt lọc bởi một thi sĩ có vốn từ phong phú, có tâm hồn lãng mạn. Bài thơ ra đời năm1948, khi đó, Quang Dũng còn là một chàng lính trẻ, lính Hà Thành nhiều mơ mộng nhưng không hề viển vông bởi anh đã được đứng trong quân ngũ, từng là Đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến, trực tiếp cầm súng tại chiến trường.

Lính râu ria cùng với Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Quán bên đường là những bài thơ kết tinh nhuần nhuyễn vẻ đẹp lãng mạn và hiện thực, góp phần định hình phong cách thơ độc đáo, riêng có của nhà thơ Quang Dũng trong văn học hiện đại Việt Nam.

Nhà thơ Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm (1921 - 1988), từng làm thầy giáo dạy học tư ở Sơn Tây. Ông nhập ngũ ngày 19/8/1945, gia nhập vào Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thời trở thành phóng viên tiền phương của tờ báo Chiến đấu. Năm 1947, Quang Dũng là Đại đội trưởng tại Tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông từng sáng tác nhiều truyện ngắn, kịch, viết nhạc và còn tham gia vào triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh khác.

Nói đến Quang Dũng chắc chắn nhiều người sẽ nhắc đến, sẽ nhớ về bài thơ “Tây Tiến” nhiều hơn bởi đó là bài thơ đã được chọn đưa vào trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. “Lính râu ria” là bài thơ ít được biết đến nhưng, thiết nghĩ đây cũng là bài thơ có thể được xếp vào hàng những bài thơ đi cùng năm tháng của nhà thơ tài hoa Quang Dũng.

Đỗ Nguyên Thương (Nguyên Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Phú Thọ)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-tho-linh-rau-ria-cua-quang-dung-chat-tru-tinh-cua-dem-tho-post715746.html
Zalo